> Bắt hàng loạt sếp chứng khoán
Nơm nớp sợ mất tiền
Thị trường những ngày này vẫn râm ran vụ việc của CTCK SME (Doanh nghiệp nhỏ và vừa) gần đây đang bị điều tra do các cá nhân liên quan đến vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT đã bị bắt giữ.
Theo đó, nhiều người cũng lo ngại về nguy cơ mất tiền oan như một số người đã mắc phải tại SME bởi tính minh bạch của các CTCK còn thấp.
Anh Hùng, nhà đầu tư có tài khoản tại SME chia sẻ anh đã may mắn chuyển xong các thủ tục khi SME mới bắt đầu lình xình và không bị “kẹt hàng”.
Theo anh, vụ SME đã khiến cho không ít nhà đầu tư tại đây lâm vào tình trạng không kịp rút được số dư tiền trên tài khoản. Một nhà đầu tư khác không giấu diếm khi cách đây vài tháng, với việc biết CTCK này đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản nhưng bằng một vài sức ép từ quan hệ, cuối cùng đã rút ra được khoản tiền gần 100 triệu đồng.
Nhưng số khách hàng may mắn như hai nhà đầu tư trên tại SME gần như hi hữu. Một nhà đầu tư giấu tên than: “Từ cuối năm 2011, công ty này đã từng có “tiền sử” bị mất thanh khoản, bộ phận lưu ký của SME đã trả lời thẳng là hết tiền mặt và khi đó khách hàng phải chờ trong vòng 2-3 tuần mới rút được tiền. Hiện tại, chúng tôi chỉ còn biết đợi chờ” .
Mới đây, chị Nguyễn Thị Hồng (Thanh Hóa) đã gửi đến Tiền Phong những bức xúc về việc CTCK An Bình chi nhánh Thanh Hóa, nơi chị mở tài khoản đóng cửa đột ngột.
Theo đó, vào ngày 31- 7, chị nhận được thông báo qua điện thoại về việc CTCK An Bình đóng cửa chi nhánh Thanh Hóa từ đầu tháng 8- 2012 và nhà đầu tư sẽ đặt lệnh qua các hình thức khác như điện thoại, internet, hoặc nhắn tin.
Tuy nhiên, khi được hướng dẫn gọi điện ra tổng đài của công ty để đặt lệnh thì nhân viên nghe điện thoại lại chưa cập nhật những thông số trên của khách hàng, điều này dẫn đến “hỏng” phiên giao dịch muốn bán cổ phiếu ngày hôm đó của chị, từ đó gây ra những thiệt hại.
Câu chuyện của chị Hồng không hi hữu. Chị Hiền (TPHCM), nhà đầu tư tại sàn Chứng khoán Sacombank-SBS cũng cho hay, từ đầu năm đến nay chị phải chuyển về hội sở của công ty để thực hiện các giao dịch vì SBS hiện tại không còn chi nhánh, phòng giao dịch nào ở TPHCM.
Thực tế thời gian qua, hàng loạt các CTCK khác đã liên tục thông báo về việc đóng cửa phòng giao dịch, chi nhánh ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh khác.
Tài khoản - Làm sao để an toàn
Từ cuối tháng 7- 2012, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông báo đóng cửa chi nhánh Huế và rút nghiệp vụ kinh doanh, CTCK Trường Sơn rút nghiệp vụ môi giới và đóng cửa chi nhánh TPHCM, CTCK MB đóng cửa phòng giao dịch Khuất Duy Tiến (Hà Nội), CTCK Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam đóng cửa chi nhánh Hà Nội, CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam đóng cửa phòng giao dịch Thái Thịnh (Hà Nội)…
Hiện nay, CTCK SME là đơn vị thứ tư cùng với CTCK Hà Nội, Trường Sơn, Đông Dương bị rút nghiệp vụ môi giới.
Qua tìm hiểu, ngoại trừ SME, websie của ba công ty còn lại đều đã không thể truy cập được. Nhiều nhà đầu tư muốn rút tiền phải được sự chấp thuận của CTCK và thậm chí không thể rút ngay được số tiền lớn.
Từ sự việc của CTCK SME, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: “Nếu CTCK cấp tài khoản giao cho ngân hàng quản lý thì độ an toàn cao hơn nhiều so với những công ty vẫn quản lý tài khoản tổng. Mỗi nhà đầu tư bỏ vào tài khoản tổng vài chục triệu đồng cứ nghĩ là ít, nhưng nếu hàng trăm người thì số tiền là rất lớn”.
Theo ông Hiển, mấu chốt câu chuyện ở chỗ nhà đầu tư thông minh phải biết tự bảo vệ mình chứ không đợi đến khi việc đã rồi thì đổ lỗi.
Ông Lê Vương Hùng -Phó Giám đốc khối Kinh doanh môi giới CTCK Rồng Việt cũng chia sẻ: Có hai sự lựa chọn, hoặc là nhà đầu tư chọn CTCK có thương hiệu và giao dịch an toàn; hoặc là CTCK cung cấp cho nhà đầu tư đòn bẩy tài chính cao, chi phí giao dịch thấp nhưng lại hàm chứa nhiều rủi ro.
Cũng theo ông Hiển, xu thế chung là những CTCK hoạt động không hiệu quả sẽ dần dần tự động đóng cửa. Nhà đầu tư sẽ phải trả giá nếu lựa chọn CTCK dễ dãi khi mở tài khoản hay cung cấp dịch vụ.