Nguy hiểm khi sơn, gắn móng tay giả

Sơn móng tay, gắn móng tay giả đang trở thành "mốt" của phái đẹp. Tuy nhiên, dưới lớp son màu lấp lánh ấy lại tiềm ẩn những nguy hại sức khỏe.
Ảnh minh họa: Internet
Nhiều hóa chất độc trong nước sơn, keo gắn móng tay giả

Dán móng giả, dán decal đang trở thành xu hướng mới của một số chị em sợ chịu ảnh hưởng xấu từ chất sơn móng tay. Để dán móng giả, người ta phải mài mỏng lớp móng tay, móng chân thật để dán đè móng mới lên trên, làm cho bộ móng có vẻ ngoài rất bóng bẩy và thời trang. 

Tưởng chừng những phương thức này sẽ giúp chị em làm đẹp móng một cách an toàn, “né” được nguy cơ nhiễm độc từ sơn móng tay, nhưng chính việc gắn móng này cũng tiềm ẩn tai họa khó lường.

Mới đây, Cơ quan giám sát độc chất Liên minh EcoWaste (Philippines) cho biết, chất keo kết dính sử dụng để gắn móng tay giả có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Theo đó ghi nhận trên nhãn ống keo có liệt kê các thành phần chất kết dính móng tay bao gồm: Acetone, hexamethylene, methyl ethyl ketone và dibutyl phthalate – hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Trước đó, Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ cũng từng đưa ra cảnh báo, ba hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde trong một số sản phẩm sơn móng có nguy cơ gây sẩy thai, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như tăng nguy cơ bệnh tiểu đường...

Theo tìm hiểu của PV, hiện thị trường sản phẩm nail (móng) phần lớn là hàng Trung Quốc. Tại các chợ, cửa hàng, hàng trăm mẫu móng tay, móng chân giả làm từ chất liệu nhựa với hoa văn, màu sắc bắt mắt giá chỉ từ 40.000 đồng/bộ. Những bộ có nước sơn đẹp, hình vẽ độc đáo, gắn đá hoặc phủ kim tuyến lấp lánh… giá từ 70.000 - 200.000 đồng/bộ kèm lọ keo dán. 

Các loại sơn móng tay, chân cũng rất phong phú. Tại các chợ sinh viên như: Xanh, Phùng Khoang… đủ loại nước sơn móng, có loại lọ bé tẹo giá chỉ 2.000 đồng/lọ. Loại này thường được cha mẹ mua về sơn “chơi” cho trẻ nhỏ. 

Loại sơn móng được nhiều chị em lựa chọn nhất là sơn dạ quang bán theo bộ ba lọ ba màu để sơn chồng ba lớp khá thời trang, giá từ 60.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, hầu hết móng giả, nước sơn đều không rõ nguồn gốc, chất lượng vì trên bao bì sản phẩm không có thông tin gì, chỉ ghi nhãn chung chung: Nfu. Oh, BK-Nail, Yu Nail, Liqi-Nail, Nail Art…

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa – Đại học KHTN – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, chất dibutyl phthalate (DBP) hay aceton đều là những chất độc nhưng nó chỉ độc khi chúng ta sử dụng quá thành phần cho phép, lạm dụng quá mức. 

Chất DBP là chất dẻo hóa được sử dụng thông dụng trong các sản phẩm nhựa dẻo công nghiệp hay làm màng bọc thực phẩm. DBP có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết, bệnh hô hấp và có thể gây giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ và thiểu năng tuyến sinh dục ở bé trai.

Aceton là một chất dung môi, dễ dàng bay hơi. Khi hít phải aceton có thể gây chóng mặt, buồn nôn và nếu ở hàm lượng cao có thể gây hôn mê, ảnh hưởng các nội tạng cơ thể. Thời gian và hàm lượng tiếp xúc càng nhiều thì càng nguy hiểm đến sức khỏe.
 Dễ nhiễm trùng vì móng giả

PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, móng tay là chất sừng, cứng và dày hơn da rất nhiều nên có thể sử dụng hóa chất trên đó mà không nguy hại gì. Tuy nhiên, móng lại có khả năng thấm hút rất tốt nên độc chất hoàn toàn có thể dễ dàng thấm vào máu. 

Các hóa chất được sử dụng để làm móng tay giả cũng nguy hiểm không kém sơn móng tay, nhẹ nhất là dị ứng với các hóa chất, khó chịu do các chất kích thích gây ra, tệ hơn là nhiễm trùng và các tai biến khác… 

Việc sử dụng các loại móng giả, sơn móng tay không rõ nguồn gốc càng nguy hiểm vì chúng ta không biết được hàm lượng hóa chất trong các sản phẩm ra sao. Bởi vậy, mọi người nên tránh lạm dụng sơn hay gắn móng tay giả. Nếu có những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn thì phải đến bác sĩ da liễu ngay để tránh xảy ra những phản ứng nặng hơn.

Việc mang móng giả có thể nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Việc búng hoặc gõ móng giả có thể làm tróc móng thật, tạo kẽ hở cho các chất bẩn trú ngụ. 

Nếu không rửa sạch, sát khuẩn khi gắn lại, vi khuẩn và nấm có thể phát triển giữa hai móng và lan tới móng thật. Các triệu chứng nhiễm trùng bao gồm đau, đỏ, ngứa và mủ ở trong hoặc xung quanh móng. Móng ngả sang màu xanh, vàng… 

Nếu bị nhiễm trùng khi mang móng giả cần tháo các móng giả và rửa sạch vùng nhiễm trùng bằng xà bông, nước. Nếu triệu chứng vẫn còn cần đi đến khám da liễu để được điều trị kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh hóa chất độc hại không nên lạm dụng sơn, dùng móng giả. Thợ làm móng nên dùng khẩu trang, găng tay mỏng khi tiếp xúc với thuốc sơn. Không được làm sơn dây ra da mình và khách hàng. 

Sau khi sơn, gắn móng giả xong cần làm sạch tay chân ngay. Khi sơn hoặc tẩy sơn móng cần thực hiện ở nơi thoáng để tránh hít aceton. Không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu liên tục để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại. Để móng luôn hồng hào, bóng mịn, buổi tối trước khi đi ngủ, bạn có thể dùng tinh dầu dừa hoặc thoa dầu massage móng tay. Nếu móng tay bị ố vàng thì dùng chanh chà lên móng cho trắng…

Theo Giadinh.net