Nguy cơ bùng phát COVID-19 từ những ca không triệu chứng

TP - Bộ Y tế cho biết, trong 174 trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong nước kể từ 25/7, nhiều người không có triệu chứng bệnh như sốt, ho, khó thở, đau mỏi... Vì vậy, phải rất cảnh giác, không được phép bỏ sót trong rà soát, cách ly, xét nghiệm. 
Lính hóa học (Binh chủng Hóa học - Bộ Quốc phòng) phun khử khuẩn tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành

Ca bệnh sinh sống ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là một ví dụ. Sau khi đi thăm cha ở Bệnh viện Đà Nẵng (bệnh nhân 428, phát hiện ngày 27/7), hai người con của bệnh nhân (ca bệnh 462, 463) được cách ly tập trung ngày 28/7, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện mắc bệnh hôm 30/7 dù không có triệu chứng. Một người quen khác của bệnh nhân 428 cũng vậy. Đến khi được xác định dương tính, người này (bệnh nhân 464) vẫn không có biểu hiện triệu chứng bệnh.

Tại TPHCM, hai bệnh nhân 567, 568 sau khi đi chăm người nhà ở Bệnh viện Đà Nẵng, trở về TPHCM, dù không có biểu hiện triệu chứng nhưng vẫn khai báo tại Trạm Y tế và được yêu cầu cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều ca mắc COVID-19 không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn mang mầm bệnh và có thể lây lan. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, lực lượng y tế cơ sở phải quán triệt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không được phép bỏ sót.

Để nhanh chóng sàng lọc, phát hiện, khoanh vùng, nhiều địa phương như Hà Nội, Huế, Quảng Ninh... đã và đang triển khai test nhanh COVID-19 cho những người có yếu tố liên quan Đà Nẵng. Theo các chuyên gia, việc làm xét nghiệm nhanh tìm kháng thể trong quần thể dân số nguy cơ có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus này, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, có biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh nếu âm tính vẫn không vội mừng, phải tuân thủ cách ly.

“Nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay. Bác sĩ Cấp phân tích, SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là thời gian ủ bệnh. Trong thời gian này, do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. Và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn. “Bởi vậy, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều cơ bản mấu chốt”, ông Cấp nói.

“Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí điều này có hại nếu người này sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Khi đó, họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó, họ trở thành dương tính. Chỉ ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư lưu ý.

Bệnh viện tăng cường kiểm soát và giãn cách

Hôm qua, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người, sàng lọc kỹ toàn bộ người bệnh đang điều trị tại các khoa lâm sàng, cách ly tại khu vực riêng và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2. Bộ Y tế nêu rõ, tình hình bệnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp; đã có trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang người bệnh, nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân. Bệnh dịch càng trở nên nguy hiểm khi lây sang người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm theo, đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo...

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất. Giảm thiểu số người nhà chăm sóc bệnh nhân, tạo môi trường thoáng khí cho các buồng bệnh, thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực. Đồng thời tổ chức rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các trường hợp có nguy cơ cao khác giảm thiểu việc ra ngoài, tới khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác. Khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh; luôn sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn đề nghị 5 bệnh viện tuyến trên cử chuyên gia hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam là cơ sở tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 cho tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh lân cận.

22 ca mắc mới
Hôm qua, Bộ Y tế cho biết, trong ngày ghi nhận thêm 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 15 ca tại Đà Nẵng, 6 ca tại Quảng Nam, có liên quan đến Đà Nẵng, 1 ca tại Quảng Ngãi. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 3/8, bệnh nhân 397 (nữ, 58 tuổi) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương.