Người Việt học lái xe ở Bỉ như thế nào?

Sau khi vượt qua phần thi lý thuyết và thực hành, với giấy chứng nhận này mới chỉ có thể tự lái một mình, chở thêm 1-2 người và có thể chạy trên đường cao tốc.
Các thầy cô hướng dẫn.

Khóa học lái dành cho người nước ngoài định cư kéo dài 2 tuần vào các buổi sáng. Một tuần tự học ở nhà và bắt đầu thi. Thật không may cả lớp trên 20 học viên không ai đạt chuẩn 41/50 câu bài thi trên máy vi tính, mỗi câu có 15 giây để trả lời. Bởi luật giao thông phức tạp mà còn khả năng đọc và hiểu ngôn ngữ ở đây nữa. Có điều an ủi là dân gốc Bỉ cũng có người thi ba đến năm lần mới đỗ.

Sáu tháng sau, giải pháp đưa ra là tự học lại bằng cách đọc sách, xem CD và internet. May mắn lần thi thứ hai này 43/50 và nhận giấy chứng nhận sau khi có thêm một bài kiểm tra thị lực.

Theo luật ở Bỉ, cũng giống như nhiều nước khác ở châu Âu, học viên phải đăng ký học lái ở trường ít nhất 20 giờ, mỗi giờ trả 67 USD, mỗi ngày học 2 giờ và mỗi tuần học đối đa 6 giờ. Ngày đầu tiên, sau khi chào hỏi, cô giáo đề nghị ngồi vào ghế lái. Câu đầu tiên cô hỏi là tự lái xe bao giờ chưa, có sợ lái xe không. Nhiều người không thể giấu nỗi sợ hãi và để lộ ra trên gương mặt. 

Trong vài phút đầu tiên, cô hướng dẫn chỉnh ghế ngồi, gương chiếu hậu, giới thiệu qua bàn đạp côn, ga, thắng, hộp số và gợi ý mua thêm một chiếc gối kê lưng. Bài học đầu tiên chỉ làm một việc duy nhất là điều chỉnh vô-lăng di chuyển theo hướng yêu cầu (phần vận hành xe là của cô giáo với bộ điều khiển phụ). Đó là con đường đang có rất nhiều xe đang tham gia.

Đa phân mọi người rất run. Ngay ngày đầu mà cho xe chạy luôn ra đường, lo lắng muốn ngộp thở, xoay vô-lăng, canh làn đường mà cứ ầm ầm như giật lá bắn chim cho dù cô giáo luôn miệng nhắc nhở phải từ từ, nhẹ nhàng…Sau đó chạy ra vùng ngoài khu dân cư, ít xe hơn, nhưng có nhiều bùng binh và góc cua. Hôm đó trời lại mưa và gió mạnh càng sợ hơn vì đường ướt, trơn trượt. Với những lúc đông xe, khúc cua nguy hiểm, cô vòng tay qua điều chỉnh, xử lí.

Sang ngày thứ 2, tiếp tục học điều khiển vô-lăng và quẹo phải, quẹo trái trong một khu bàn cờ và các bùng binh. Điểm cần lưu ý là cách chéo hai tay khi xoay vô-lăng và cách thả trượt vô-lăng từ từ trở lại vị trí ban đầu.

Hai ngày tiếp theo với bài học cách sử dụng bàn đạp ga và thắng kết hợp với điều khiển vô-lăng chạy trong thành phố và ngoài khu dân cư với vận tốc 90 km/h. Điều cô giáo hướng dẫn hay nhắc nhở là phải đạp nhẹ nhàng, từ tốn, không thắng gấp và không tăng ga đột ngột. Cần phân biệt rõ bàn đạp phanh và chân ga. 

Trong hai thứ 5 và 6, học cách sử dụng hộp số, bàn đạp ly hợp (côn) và đèn xi nhan khi tham gia giao thông. Bài tổng hợp này khá là khó. Nan giải nhất là làm sao đề-pa hoặc dừng xe mà không bị giật hoặc tắt máy.

Cách đề-pa và tăng số cụ thể như sau:

1. Chân trái nhấn kệt sàn bàn đạp côn.
2. Tay vô số 1.
3. Chân trái thả bàn đạp côn từ từ khoảng 30-40% thì dừng lại.
4. Lúc này chân phải nhấn ga từ từ, khi nghe tiếng động cơ ghì máy thì chân ga dừng lại.
5. Chân trái tiếp tục thả côn từ từ cho đến hết,
6. Chân phải nhấn ga để xe đi nhanh hơn và chuyển sang số 2.

Khi tăng số thì cũng lặp lại hành động tương tự. Lưu ý khi đạp kịch sàn chân côn thì chân ga phải thả ra liền.

Các bước giảm số khi giảm tốc:

1. Chân phải đạp thắng từ từ.
2. Chân trái đạp côn kệt sàn.
3. Tay giảm số lớn xuống số nhỏ.
4. Chân trái thả côn từ từ.
5. Cùng lúc chân phải rà bàn đạp thắng nếu cần.

Khi dừng, chân phải đạp thắng từ từ, khi chạy thật chậm và nghe tiếng giật giật thì chân trái đạp côn kệt sàn, sau đó chân phải đạp thắng để dừng lại hẳn. Tất cả các động tác chân, tay phải kết hợp nhịp nhàng, ăn khớp, từ tốn. Tay chuyển số theo sơ đồ hộp số, mắt phải nhìn đường, không được nhìn hộp số (khi mất bình tĩnh, mọi người thường hay bị nhầm giảm từ số 3 xuống 2 nhưng lại kéo thẳng xuống số 4).

Đến ngày thứ 7-8, tiếp tục thực hành lái xe như trên và có lúc giáo viên cho chạy ra đường cao tốc, vận tốc 100-120 km/h, nhanh muốn chóng mặt luôn, nhưng cảm giác rất là thích vì đường rộng phân làn rõ ràng.

Ngày thứ 9 và 10, hoàn thiện chương trình học với các bài học vượt xe, quay đầu và đậu.

Ngoài những kiến thức và tao tháo cơ bản, ba điểm quan trọng phải nắm được là: Nhả chân côn và chân ga hợp lý; Sử dụng chân phanh nhẹ nhàng và đúng cách; Quan sát hành trình thật kỹ, luôn để tâm đến ưu tiên làn đường bên phải.

Sau 20 giờ thực hành trên đường thực tế (không học trong sân trường hay với sa hình như ở Việt Nam), cô giáo cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học vì đạt yêu cầu. Nếu không đạt thì phải học thêm, một khóa ít nhất là 6 giờ, học đến khi nào giáo viên hướng dẫn thấy ổn mới thôi. Vì vậy giá tiền để có được cái bằng lái xe ở đây thường khác nhau tùy theo khả năng của người học, ít nhất là khoảng 1.490 USD.

Giấy chứng nhận thi lý thuyết và thực hành sau đó nộp cho Ủy ban phường (La commune) để cấp bằng lái tạm thời, lệ phí là 25 USD và 15 USD tiền dịch vụ. Với bằng lái này, có thể tự lái một mình, chở thêm một hoặc hai người và có thể chạy trên đường cao tốc, nhưng không được lái xe sau 22h vào các ngày cuối tuần, ngày lễ.

Ít nhất 3 tháng và nhiều nhất là 18 tháng, có thể thi đổi bằng chính thức. Vậy là sau hai năm, với một ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ, một người Việt Nam có thể vượt qua một kỳ thi chuẩn chất lượng châu Âu mà theo nhiều người nhận xét là khá khó khăn. Tuy nhiên, hãy cố gắng và biết vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu thì ai cũng có thể làm chủ vô-lăng.

Theo Theo VnExpress