Người trồng cà phê oằn mình trả nợ

Giá giảm sâu, nhiều hộ nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên phải bán tháo lượng lớn mặt hàng này để có tiền trả nợ ngân hàng

Tuy đã tăng từ 4.000-5.000 đồng một kg so với hồi đầu mùa nhưng giá cà phê tại Tây Nguyên vẫn đang ở mức thấp. Với sản lượng trung bình khoảng 5,5-6 tấn một ha, so với cùng kỳ năm trước, người dân thiệt hại khoảng 60 triệu đồng một ha, trong khi diện tích trồng toàn vùng lên tới hơn 553.000 ha.

Giá cà phê giảm sâu khiến người trồng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Người lao động

Hiện giá bán cà phê nhân khô tại các tỉnh Tây Nguyên đang được thương lái thu mua dao động ở mức 34.000-35.000 đồng một kg, giảm hơn 10.000 đồng so với cùng thời điểm năm ngoái. Ông Trương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê tỉnh Đắk Lắk, cho biết đây là mức giá thấp nhất tính từ 3 năm trở lại đây.

Nhiều người trồng cà phê đã thu hoạch xong nhưng vẫn đang găm hàng chờ giá lên. Tuy nhiên, nhiều hộ buộc phải bán gấp để trả nợ ngân hàng và các đại lý phân bón.

Tại huyện Đắk Hà, một trong những nơi trồng nhiều cà phê nhất tỉnh Kon Tum, người dân buộc phải bán cà phê để trả nợ. Anh Hồ Việt - ngụ tổ 1, thị trấn Đắk Hà - rầu rĩ: “Cách đây khoảng 10 ngày, tôi buộc phải bán hết số cà phê nhân với giá hơn 29.000 đồng một kg để trả nợ ngân hàng. So với đỉnh mức giá vụ cà phê 2011-2012, nhà tôi lỗ hơn 300 triệu đồng”.

Cũng theo anh Việt, hầu hết các hộ trồng cà phê trên địa bàn không có sẵn nguồn vốn. Để đầu tư, hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng hoặc mua chịu phân bón giá cao từ đại lý nên không thể trữ hàng chờ giá lên. Sau khi trả tiền nhân công, phân bón thì lỗ nặng, không còn để đầu tư tiếp cho vụ sau. Một số hộ cố gắng đợi giá lên đành chấp nhận vay mượn lãi suất cao để trả tiền vay ngân hàng đã đáo hạn và trả cho đại lý.

Ông Trần Văn Thân, công nhân Nông trường Cà phê 706 thuộc Công ty Cà phê Ia Sao (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), cho biết: “Là công nhân nên chúng tôi không phải bỏ vốn đầu tư nhiều, ngoài sản phẩm được giao khoán nộp lại cho công ty, gia đình tôi còn dư một ít mang về nhưng giá xuống quá thấp nên vẫn đang giữ lại chờ giá lên mới bán”.

Theo ông Trương Thanh Tương, thị trường xuất khẩu cà phê chững lại đã tác động mạnh đến giá cà phê trong nước. Trong những tháng đầu niên vụ 2012-2013, lượng cà phê xuất khẩu hằng tháng của nước ta chỉ dưới mức 100.000 tấn, thua nhiều so với mọi năm. Bên cạnh đó, việc người dân trồng cà phê tại các nước Brazil, Indonesia được mùa, sản lượng bán ra thị trường dồi dào nên nhiều khách hàng chuyển hướng sang thu mua ở đó. Hơn nữa, cơ chế mua bán cà phê tại Việt Nam rườm rà về thủ tục nên khách hàng ưu tiên cho các thị trường khác.

“Không có chuyện giá cà phê thấp là do chất lượng sản phẩm, chắc chắn như vậy”, ông Tương khẳng định.

Cũng theo ông Tương, với mức giá hiện tại là 35.000 đồng một kg, người trồng cà phê tại Tây Nguyên đang ở mức hòa vốn chứ chưa đến nỗi lỗ. Nếu giá cà phê xuống dưới 30.000 đồng, chắc chắn nhiều hộ sẽ thua lỗ rất nặng.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê, việc mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian dẫn đến việc người dân phải bán với giá thấp hơn nhiều so với thực tế. Thêm vào đó, kinh tế trong nước đang còn trong tình trạng suy thoái cũng làm sức mua cà phê giảm mạnh khiến giá rớt sâu.

Ngoài ra, giá cà phê trên thị trường thế giới có nhiều biến động bất thường. Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê gặp khó khăn do việc hoàn thuế gặp nhiều vướng mắc, trở ngại trong tiếp cận vốn vay ưu đãi nên lượng cà phê xuất khẩu hạn chế, chủ yếu là kinh doanh trong nước, từ đó cũng góp phần làm giảm giá cà phê.

Đề nghị kéo dài thời gian vay vốn

Nhiều hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên đề nghị ngân hàng kéo dài thời gian cho họ vay vốn lên 18 hoặc 24 tháng thay vì 6 tháng hoặc 12 tháng như hiện nay để tránh tình trạng phải bán giá thấp nhằm trả nợ ngân hàng khi đáo hạn.

Một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết sở đang theo dõi sát tình hình, nếu giá xuống quá thấp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giãn nợ hoặc khoanh nợ vụ này cho người dân trồng cà phê, giúp họ có vốn đầu tư tái sản xuất cho vụ tới.

Theo Người lao động

Theo Đăng lại