Người sử dụng, buôn bán thuốc lá điện tử, ‘bóng cười’ sẽ bị xử lý ra sao?

TPO - Từ năm 2025, 'bóng cười', shisha và thuốc lá điện tử được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Theo đó, người sử dụng, buôn bán các loại mặt hàng này sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15, theo đó, kể từ ngày 1/1/2025, chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, shisha và “bóng cười”.

Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kiểm tra cơ sở sử dụng "bóng cười".

Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung sau đây.

Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội đã thống nhất quyết định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí và chất gây nghiện, những sản phẩm có tác hại đến sức khỏe con người, bắt đầu từ năm 2025. Mục tiêu của quyết định này là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội. Chính phủ sẽ tổ chức triển khai các biện pháp cụ thể để thực hiện.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên, về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí và chất gây nghiện, từ đó giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe cộng đồng.

Sử dụng bóng cười bị xử phạt ra sao?

Theo quy định hiện hành, những người sử dụng bóng cười trong các trường hợp sau, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Xử phạt hành chính: Nếu bóng cười có chứa chất ma túy, người sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, người sử dụng chất ma túy trái phép có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Xử lý hình sự: Nếu người sử dụng bóng cười có hành vi liên quan đến sản xuất, buôn bán, tàng trữ, hoặc vận chuyển bóng cười (hoặc các chất cấm khác), thì tùy theo mức độ vi phạm, họ có thể bị xử lý hình sự theo các quy định hiện hành.

Tương tự, thuốc lá điện tử cũng được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Do đó, người thực hiện hành vi buôn bán thuốc lá điện tử (thuộc danh mục hàng cấm) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm.

Về xử lý hình sự, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 3 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm, tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với pháp nhân (doanh nghiệp hoặc tổ chức), nếu phạm tội, sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm. Các tổ chức có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng của người dân, an ninh trật tự, môi trường, hoặc không có khả năng khắc phục hậu quả.