Người Mỹ nói gì về chuyến thăm Việt Nam của ông Obama?

TPO - Giám đốc bộ phận các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink, ngày 18/5 trả lời các câu hỏi của phóng viên nước ngoài liên quan chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam – đất nước được coi là một quyền lực đang nổi lên ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5. Ảnh: Business Insider

Thể hiện chiến lược tái cân bằng

Chuyến thăm này (tới Việt Nam và Nhật Bản) tăng cường cam kết của Tổng thống Mỹ với chiến lược tái cân bằng sang châu Á. Đây sẽ là chuyến thăm thứ 10 của Tổng thống Obama tới khu vực này và được xây dựng trên một loạt cuộc gặp liên quan trong khu vực trong năm nay, bao gồm thượng đỉnh Sunnylands với các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 2, cuộc gặp 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, cũng như cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh An ninh Hạt Nhân hồi tháng 3, và tất nhiên, chuyến thăm cảu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hồi tháng 1, chưa kể các cuộc đối thoại khác của Tổng thống với các nhà lãnh đạo khác ở châu Á trong năm nay, bao gồm tân Tổng thống Myanamar U Htin Kyaw và Tổng thống đắc cử Philippines, ông Rodrigo Duterte. 

Chúng tôi tin rằng, chuyến thăm lần này biểu thị 2 yếu tố chính của chiến lược tái cân bằng. Thứ nhất, xây dựng các quan hệ đối tác mới với các quyền lực đang nổi trong khu vực, như Việt Nam. Thứ hai, củng cố các đồng minh hiệp ước của Mỹ, trong đó có Nhật Bản - trái tim của chiến lược châu Á của chúng ta.

Thông qua các cuộc gặp G7 trong năm nay, chúng ta cũng sẽ có cơ hội hiếm hoi để tập trung sự chú ý của các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới vào các cơ hội và thách thức chính ở khu vực quan trọng này.

Tổng thống Obama sẽ là tổng thống Mỹ thứ 3 thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao hơn 20 năm trước. Năm 2006, Tổng thống Bush thăm Việt Nam khi tham dự APEC. Sau đó, Tổng thống Clinton có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào năm 2000.

Đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt

Tổng thống Obama sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, giao lưu nhân dân, an ninh, quyền con người cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thông qua các cuộc gặp chính thức và các sự kiện công cộng, Tổng thống Mỹ sẽ làm nổi bật chiều sâu và bề rộng của mối quan hệ đối tác và những tiến bộ đáng kể mà hai nước chúng ta đạt được trong những năm gần đây.

Về hợp tác kinh tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nêu bật cả thành tựu và tiềm năng quan hệ kinh tế với Việt Nam. Ý nghĩa chiến lược và kinh tế của TPP cũng như khả năng của hiệp định trong việc thúc đẩy cải cách ở Việt Nam trong nhiều vấn đề là một phần chương trình nghị sự tham vọng của chúng ta. Chúng ta cũng hy vọng là một số thỏa thuận thương mại nổi bật được ký kết trong huyến thăm. Điều này sẽ thể hiện lợi ích rất lớn mà hợp tác kinh tế song phương đem lại.

Ông Daniel Kritenbrink. Ảnh: Government Work

Về hợp tác an ninh, một trong các đặc điểm chính của mối quan hệ đối tác thế kỷ 21 của chúng ta với Việt Nam là cam kết chung của chúng ta đối với việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi các nước có thể theo đuổi các mục tiêu của họ một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan hệ quân sự của chúng ta bao gồm nhiều vấn đề, từ hỗ trợ nhân đạo, hợp tác cứu trợ thiên tai tới gìn giữ hòa bình. Chúng ta trông đợi việc tiếp tục đối thoại với các nhà lãnh đạo Việt Nam về cách thức chúng ta có thể chung tay với Việt Nam để nâng cao năng lực an ninh biển của nước này.

Về giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục, sự hợp tác này đã giúp xây dựng lòng tin và hiểu biết giữa hai nước, hai dân tộc. Việt Nam có nhiều sinh viên theo học các trường đại học Mỹ hơn bất kỳ đất nước Đông Nam Á nào khác. Những con số này cho thấy, thanh niên Việt Nam đang háo hức hơn trong việc tăng cường kết nối với Mỹ và đặt nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đang phát triển của chúng ta phát triển tốt hơn nữa trong những thập kỷ tới.

Thẳng thắn giải quyết những khác biệt

Dù quan hệ đối tác của chúng ta tiếp tục phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, quyền con người luôn và sẽ tiếp tục là một yếu tố chính trong quan hệ song phương với Việt Nam. Cũng như các lĩnh vực khác trong mối quan hệ của chúng ta, hai bên đã đạt được những tiến bộ quan trọng, nhưng thách thức rõ ràng là vẫn còn và chúng ta sẽ thừa nhận và giải quyết những khác biệt này một cách thẳng thắn. Chúng ta muốn một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.

Cuối cùng, về hợp tác giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, chúng tôi nghĩ rằng, đây là lĩnh vực có chiều rộng và mức tăng tiến vô bờ đối với sự hợp tác của chúng ta cũng như tiềm năng trong quan hệ song phương trong những năm tới. Hai bên đang hợp tác trong mọi lĩnh vực, từ y tế, không phổ biến (vũ khí hủy diệt hàng loạt), biến đổi khí hậu tới gìn giữ hòa bình và buôn lậu động vật hoang dã. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng, những lĩnh vực hợp tác này là minh chứng cho bản chất hợp tác dựa trên bề rộng trong khuôn khổ đối tác toàn diện của chúng ta. Tất cả những lĩnh vực hợp tác này và tiến bộ mà chúng ta đạt được trong 20 năm qua đã đặt nền tảng vững chắc cho những gì chúng ta có thể đạt được trong 20 năm tới và những năm sau đó.