Người làm phim “Tây” thích, “ta” thờ ơ

TP - Bộ phim tài liệu độc lập thứ ba “Đi tìm Phong” của Trần Phương Thảo đang trụ tới tuần thứ tư tại một số rạp của Pháp. Phim của Thảo từng tham dự và giành nhiều giải quốc tế nhưng hai trong số ba phim của chị vẫn chưa có cơ hội ra mắt khán giả tại Việt Nam. Nữ đạo diễn có mong muốn giản dị: được khán giả mình xem phim và tò mò đến các cuộc thảo luận.
Cảnh trong phim “Trong hay ngoài vòng tay em”. Ảnh: Lan Hương.

Tốt nghiệp Đại học ngoại thương, Trần Phương Thảo từng làm phiên dịch tiếng Pháp cho một số dự án nước ngoài trong đó có dự án dạy làm phim Varan (trường phái làm phim tài liệu trực tiếp từ Pháp). Mê phim phong cách Varan, Thảo tham gia như một học viên, trở thành đạo diễn phim tài liệu độc lập với phim đầu tay “Giấc mơ là công nhân” và gắn bó với hoạt động của trại sáng tác này trong vai trò cộng sự cho đến nay.

“Giấc mơ là công nhân” (2006) nói về ước mơ mộc mạc, tha thiết nhưng khó thực hiện của những cô gái nông thôn ra thành phố tìm việc. “Phim của Thảo chưa chuẩn về mặt đạo diễn - nhà phê bình và đạo diễn phim tài liệu người Pháp Yann Lardeau nhận xét - Tuy nhiên, chúng tôi bị chinh phục bởi sự tươi tắn, nét hồn nhiên của các nhân vật. Câu chuyện của cô thật sự là một sự giải phóng ngôn từ. Trong phim không hề có lời nói sáo rỗng”. Bộ phim giành được học bổng Pierre -Yolande Perrault, giải thưởng khích lệ tại Liên hoan phim (LHP) tài liệu Cinéma du réel năm 2017.

Đạo diễn phim mát tay “giải quốc tế” Trần Phương Thảo.

Người nghiện dễ hiểu hơn người thường

Bộ phim thứ hai “Trong hay ngoài vòng tay em” (2011), Trần Phương Thảo đồng đạo diễn cùng chồng - nhà quay phim người Pháp Swann Dubus. Chuyện phim xoay quanh ba nhân vật mắc căn bệnh thế kỷ HIV ở xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Chung làm nghề xe ôm, nghiện ma túy, bị HIV, vợ đã bỏ đi. Thi làm nghề gò hàn sắt, nghiện ma túy, Lải vợ Thi với tất cả tình thương yêu muốn giúp chồng cai nghiện. Lải (không nghiện) bị HIV do lây từ chồng. Cặp đôi này quyết tâm cai nghiện để sống, còn Chung buông xuôi. Hai nhà làm phim Thảo và Swann phải đi lại Điện Biên tới bốn lần trong sáu tháng để hoàn thành bộ phim. Thảo kể “chúng tôi làm phim luôn trong tình trạng “sắp không được làm nữa, vì ma túy hệ lụy đến quá nhiều vấn đề”. Với Thảo, làm phim là khám phá bản thân và những điều vỡ lẽ.

Trước đây Thảo cứ nghĩ chỉ dân xã hội đen và nghệ sĩ mới dễ nghiện hóa ra nó liên quan đến những người rất bình thường. Thế hệ mắc HIV đầu tiên đa số trạc tuổi Thảo, sinh năm 77-80. “Hiểu heroin, tôi không thấy quá sợ nó như trước đó. Nó không đáng sợ như ma túy tổng hợp - kích thần”.

Làm phim, sống cùng người nghiện ở điểm nóng ma túy Thảo không thấy sợ họ bằng sợ những người bình thường “gây chuyện, vòi tiền”. Mặc dù có giấy giới thiệu, công văn nhưng hai nhà làm phim vẫn bị một số người địa phương đến căn vặn, vòi vĩnh. Rất may có nhiều người trong đó có nữ bác sĩ Thảo, người đặc trách cai nghiện cho Chung và Thi  đã ủng hộ bảo vệ ekip làm phim.

Ngày bộ phim chiếu tại địa phương để lấy ý kiến, khá nhiều người dân e ngại vì kết thúc u ám. Cuối phim cả Chung và Thi đều cai nghiện thất bại. Nhiều người nghiện ma túy chia sẻ trước đây xem phim phòng tránh heroin và đại dịch HIV trên truyền hình, họ không hề thấy bản thân mình. Khi xem “Trong hay ngoài vòng tay em”, họ thấy mình ở đó. Cuối buổi chiếu, Thi lên phát biểu “Em là người  đầu tiên muốn phim kết thúc có hậu nhưng tiếc rằng hiện thực không như vậy. Em thấy bộ phim có nhiều cảnh thuyết phục và tác động truyền thông rất hiệu quả”.

Cảnh trong phim “Đi tìm Phong”.

Năm năm sau, nữ đạo diễn có dịp quay lại Điện Biên và “Buồn!”- Thảo thốt lên khi kể lại.  Thị xã Thanh An khang trang hơn, đã kiểm soát được HIV nhưng vẫn là điểm nóng ma túy. Chung đã mất vì HIV hai năm trước, Thi vẫn sống khỏe mạnh vì dùng đều thuốc cai nghiện methadone. “Nghe nói nhiều người ra trạm y tế uống methadone miễn phí xong về lại chích một liều”. Ở vị trí nhà làm phim nhân học và người tham gia nhiều dự án y tế cộng đồng Trần Phương Thảo cho rằng “người nghiện không thể cai nghiện ở nơi ma túy vẫn hiện diện”.

Phim sâu sắc hơn người thực hiện

Bị ảnh hưởng và có cơ duyên với phong cách làm phim Varan, Thảo tự nhận “chúng tôi thuộc thế hệ  “phim sâu sắc hơn người thực hiện”. Varan để cho sự thật tràn vào phim, đạo diễn không sử dụng những lời bình và không hướng khán giả vào những mô-típ định sẵn hay là những kịch bản soạn trước. Kể cả ở nước ngoài, phim tài liệu chiếu rạp hầu như không mang lãi cho nhà phát hành, tuy nhiên vẫn có dòng khán giả ít ỏi say thể loại này theo kiểu hơi cực đoan. Giới làm phim mà theo đuổi tài liệu cũng vì đam mê. Giữa ba bộ phim lớn vợ chồng Thảo đi làm phim tài liệu cho các dự án sức khỏe, vừa có công ăn việc làm vừa có cơ hội khảo sát cho phim mới trong tương lai. “Ngày càng nhiều bạn trẻ làm phim giỏi, chúng tôi cũng ít nhận được phim làm thuê hơn.  Dù sao chúng tôi là những người may mắn hiếm hoi trong giới “tài liệu độc lập” làm nghề mà đủ sống”.

Thảo tự nhận chị không có thế mạnh với các khuôn hình nhưng có con mắt phản biện và nhân vật của chị mang ngôn ngữ điện ảnh nhiều hơn. Bộ phim “Đi tìm Phong” (2015) kể về hành trình đi đến quyết định chuyển giới của chàng họa sĩ 27 tuổi tên Phong. Dù là một quyết định rất nghiêm trọng nhưng phim được kể với tông vui. Tác phẩm dựng theo cách của phim truyện dài 92 phút. Phong là con trai một gia đình cách mạng ở Quảng Ngãi, anh tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, khoa Thiết kế mỹ thuật và hiện là họa sĩ của Nhà hát múa rối Thăng Long. Quyết định chuyển giới vô cùng khó khăn với Phong và cả người thân. Sau những khóc lóc, không chịu chấp nhận sự chuyển biến xảy ra với con/em mình, cuối cùng người thân đã đồng hành yêu thương cùng Phong. Lúc trước nhận lời đề nghị vào phim của Thảo, Phong muốn đó là phim thật hài hoặc sến lấy nhiều nước mắt, anh không khoái phim tài liệu lắm. Hôm chiếu thử cho gia đình, cô Phong lúc này vô cùng xinh đẹp cứ che mặt xấu hổ tự chê mình trong phim “ôi xấu thế!”, “vô duyên quá”. Phim kết thúc, đại gia đình cười vui, vỗ tay rầm rập. Trong hai năm qua “Đi tìm Phong” đã đã có mặt tại 35 LHP quốc tế, nhận giải thưởng lớn NANOOK-JEAN ROUCH Grand Prix tại LHP JEAN ROUCH. Ngày 14/2 vừa qua, phim ra mắt khán giả Pháp, và nhận được rất nhiều bình luận tích cực từ các tờ báo lớn. Câu chuyện của Phong đang trụ được tới tuần thứ tư tại một số rạp chuyên phim tài liệu, nhân học của Pháp.

Giống như số phận của nhiều phim độc lập khác, tác phẩm của Thảo mát tay với LHP quốc tế nhưng chưa thể ra mắt khán giả Việt. Trần Phương Thảo hy vọng “Đi tìm Phong” sẽ đến với khán giả trong nước vào dịp  luật về quyền chuyển đổi giới tính và thay đổi giới tính trên giấy tờ được thực thi.

Không quá sợ bỏ dở phim

“Chúng tôi luôn biết, ma túy thể nào cũng dính đến tiền hoặc mình sẽ bị ra giá để được tiếp tục làm bộ phim nhưng chúng tôi không hối lộ người vòi tiền”. Khi bộ phim về người mắc HIV sắp xong thì Chung đến gặp chúng tôi đưa một tờ giấy gọi của tòa. Bạn ấy nói em sắp phải đi tù, anh chị phải đưa cho em tiền để em hối lộ tòa”. Mặc dù rất muốn bạn ấy tại ngoại để quay nốt cảnh kết nhưng chúng tôi vẫn không đưa tiền. Sau một vài ngày suy nghĩ, chúng tôi khuyên bạn ấy cứ tuân thủ theo luật pháp. Té ra, vì cần tiền tiêm chích bạn ấy nghĩ ra chiêu tòa gọi để lừa chúng tôi - Thảo cười buồn nhớ lại.