Người dùng gas đang bị 'móc túi'

Thời gian gần đây, khi giá gas tăng cao, nhiều bà nội trợ mới để ý đến bình gas nhà mình và nhận ra thời gian sử dụng cứ ít dần đi. Tuy nhiên, ngoài việc bớt xén gas từ các đơn vị chiết nạp lậu, chất lượng gas nội cũng góp phần không nhỏ trong việc “móc túi” người tiêu dùng.
Giá gas đang tăng, nhưng lượng gas lại đang giảm?

Người dùng gas đang bị 'móc túi'

Không hiểu vì sao

Chị Phạm Thị Thanh Hằng (Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, lúc trước, mỗi bình gas 12kg chị sử dụng trên một tháng, tuy nhiên thời gian gần đây chỉ còn 20 ngày, tiết kiệm lắm thì được 25 ngày. Nghi ngờ bị thiếu trọng lượng, chị đề nghị cân lại mỗi khi đại lý giao gas, tuy nhiên trọng lượng không hề thiếu. Chị Hằng tính toán, với giá gần 300.000 đồng/bình (12kg), mỗi tháng gia đình chị bị gas “móc túi” khoảng 100.000 đồng.

“Một tháng nay, tôi chuyển qua xài bếp điện từ. So với xài gas, mỗi tháng, gia đình tôi ba người tiết kiệm được gần 100.000 đồng. Như vậy, tổng cộng mỗi tháng tôi tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng”, chị Hằng xác nhận.

Tương tự, chị Kim Dung (quận 3, TP.HCM) cho biết, chị ở chung với một người em lại ít nấu ăn nên thường sáu tháng chị mới phải thay gas (bình 12kg). Tuy nhiên, lần gần đây nhất, bình gas chị sử dụng chỉ được bốn tháng. “Tôi vẫn nấu ăn như trước đây, nhưng không hiểu tại sao lại hết gas nhanh thế? Không biết có bị đại lý ăn gian hay rò rỉ do van bị hỏng?”, chị Dung thắc mắc.

Chị Ngọc (Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho biết, chị vừa phải đổi gas khi sử dụng chưa đầy một tháng, thay vì 40 ngày như trước đây. “Giá gas mỗi tháng mỗi tăng, trong khi thời gian sử dụng thì bị ngắn lại, chắc tôi phải chuyển qua sử dụng điện cho đỡ hao”, chị Ngọc nói.

Người tiêu dùng sẽ còn bị “móc túi”

Giá dầu thô liên tục tăng cao kéo giá gas trong nước leo thang. Trong khi đó, gas trong nước lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp “móc túi” người tiêu dùng. Hiện, gas nhập khẩu và gas trong nước đều được đánh đồng về giá, trong khi chất lượng có thể khác biệt.

Làm sao người tiêu dùng có thể phân biệt được gas pha trộn đúng tiêu chuẩn hay gas nhập khẩu hoàn toàn?

Theo cơ quan chức năng, đến nay, cả nước mới có 26 doanh nghiệp kinh doanh gas đạt tiêu chuẩn và đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng có hiệu lực từ đầu năm nay. Trong khi đó, hiện nay sản lượng gas trong nước đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường (nguồn sản xuất từ nhà máy khí Dinh Cố và nhà máy lọc dầu Dung Quất), 60% còn lại phải nhập khẩu.

Đó là chưa kể tình trạng gas giả và gian lận thương mại mà theo ước tính hiện chiếm khoảng 30%. Thực trạng này gây mất an toàn và thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước cũng như người tiêu dùng.

Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu gas, những năm gần đây thị trường gas trong nước cũng thường xuyên biến động với mức giá bán lẻ liên tục thay đổi theo chiều hướng tăng cao. Mới hồi đầu tháng, giá một bình gas 12kg đã tăng 25.000 đồng, lên gần 300.000 đồng.

Dự báo, nhiều khả năng vào đầu tháng tới, giá gas sẽ tiếp tục tăng, không dưới 10.000 đồng/bình (12kg). Một lãnh đạo doanh nghiệp gas cho rằng, mặc dù dầu thô giảm nhưng giá gas thế giới vẫn cao thì giá trong nước cũng phải theo. Vị này còn cho rằng, giá gas trong nước luôn phải theo sát giá thế giới là do khả năng dự trữ gas của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.

Toàn quốc hiện có 31 kho gas, với sức chứa chỉ đạt từ 500 – 4.000 tấn/kho, trong đó chỉ có bốn kho sức chứa trên 3.000 tấn. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước không chủ động được nguồn hàng, khi gas rẻ không trữ được nhiều và cũng không có khả năng nhập khẩu trực tiếp từ Trung Đông, Australia…, mà chỉ có thể mua lại của các nước trong khu vực. Đây là điểm yếu lớn nhất của thị trường gas ở Việt Nam.

Thực trạng này vẫn chưa thể giải quyết cho đến tháng đầu năm 2013, khi dự án kho cảng gas Long An do tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư đi vào hoạt động, với sức chứa 1 triệu tấn và có thể nhập khẩu gas trực tiếp từ Trung Đông, Australia… góp phần giảm chi phí và giá bán đến người tiêu dùng. Dự báo năm 2015, nhu cầu sử dụng gas cả nước khoảng 1,5 triệu tấn và năm 2020 đạt 2 triệu tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Mẫn, chi hội trưởng chi hội Gas phía Nam (hiệp hội Gas Việt Nam), gas từ nhà máy lọc đầu Dung Quất có áp suất thấp, khó có thể cháy hết và đọng lại trong bình và hàm lượng olefin của gas cũng khá cao, tạo bụi than đen và lửa đỏ, dễ làm nghẹt béc.

Trong khi đó, hiện cơ quan chức năng chưa có quy định về hàm lượng olefin trong gas. Những nguyên nhân này có thể gây ra tình trạng thời gian sử dụng bị rút ngắn trong khi gas vẫn còn trong bình. “Thông thường, doanh nghiệp phải pha trộn gas nhập khẩu và gas trong nước với tỷ lệ 2 – 1 mới đạt. Nếu không, sẽ xảy ra tình trạng gas bị thiếu do không đủ áp suất”, bà Mẫn cho biết.

Theo Ca Hảo
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Tổng hợp