Trở lại Sài Gòn đúng lúc trời đổ cơn mưa, nhìn ra bên ngoài thoáng suy tư, nhíu mày, thí sinh Nguyễn Thị Nhật Minh (SBD 151) nhiều lần ngập ngừng rồi bật lên thành tiếng: “Trời mưa, em sợ con đường ở ấp Pháo Đài sẽ sình lầy, bọn trẻ và người dân di chuyển sẽ khó khăn. Mới bữa trước trời mưa bác Bướm té ngã đến nay còn chưa lành”.
Không chỉ Nhật Minh, mà 3 thí sinh còn lại: Nguyễn Thị Hồng Tuyết (SBD 052), Đinh Thị Triều Tiên (SBD 535), Phạm Thị Thu Hà (SBD 182) đều mang trăn trở về con đường dẫn vào cầu Tám Mẹo tại ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Cỏ mọc tràn lối đi chỉ còn một khoảng trống vừa đủ bánh xe. Nhiều đoạn sình lầy ngay cả khi trời nắng gắt. “Khi tới mời người dân dự lễ Khởi công cải tạo cầu Tám Mẹo em nhìn thấy niềm hạnh phúc thể hiện rõ trên khuôn mặt. Có người chực rơi nước mắt. Có cầu rồi, mọi người lại mơ về một con đường mới. Chúng em có thể tiếp tục đi xin tài trợ để làm đường cho người dân nơi đây không chị?”- câu hỏi của Nguyễn Thị Hồng Tuyết khiến chúng tôi không khỏi bối rối…
Tại Tiền Giang ngày đầu tiên, cả 4 thí sinh trải qua một quãng đường khá dài để đến ấp Pháo Đài. Lùa vội chén cơm tối, 4 cô gái bắt đầu trao đổi về dự án cải tạo cầu Tám Mẹo. Nhất trí phương án cùng nhau khảo sát cây cầu rồi tiếp xúc với người dân tại ấp Pháo Đài, mỗi thí sinh chọn tham gia một trải nghiệm thực tế.
Trải nghiệm thú vị miền sông nước
Sáng sớm ngày hôm sau, 4 thí sinh khởi hành tới ấp Pháo Đài. Tới cầu Tám Mẹo, xuống xe cơ giới, thí sinh Đinh Thị Triều Tiên chưa hết lo sợ: “Nhiều lần bánh xe trượt trên cỏ chực đổ ập xuống đường rồi ổ gà, ván gỗ bắc tạm qua kênh đều khiến em không khỏi lo sợ. Thật ái ngại khi hàng ngày người dân nơi đây phải đi lại trong điều kiện khó khăn như
thế này”.
Triều Tiên cùng tham gia sinh hoạt với gia đình chị Oanh, nằm sát bên cầu Tám Mẹo. Là cô gái nông thôn nên những công việc như hái rau, chẻ củi, dọn nhà, nấu cơm không thể làm khó Triều Tiên. Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, lũ trẻ quấn quýt không rời Triều Tiên nửa bước.
“Trò chuyện với chị Oanh, điều em ấn tượng nhất đó là chị luôn nở nụ cười thật tươi, trái ngược với hoàn cảnh của chị. Chị Oanh và chồng là lao động chính nuôi 6 người còn lại trong gia đình. Chẳng ai tin được dù có khó khăn hay chạy ăn từng bữa, chị Oanh chưa từng phàn nàn về cuộc sống của mình”- Triều Tiên tâm sự.
Trong khi đó, câu chuyện mà thí sinh Nhật Minh mang về sau trải nghiệm đan giỏ cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Nhật Minh có một ngày thật ý nghĩa khi học đan giỏ và trò chuyện cùng người dân. “Mỗi người em tiếp xúc có một câu chuyện riêng và để lại trong em nhiều suy tư. Như chuyện của bà Đảnh. Bà năm nay đã 76 tuổi. Hàng ngày bà đan giỏ tiền công được 64 nghìn đồng, nuôi sống mình và người chồng nằm một chỗ bệnh tật. Nhưng bà luôn nở nụ cười hiền hậu, lạc quan. Với tâm thế là những người truyền cảm hứng về nhân ái, yêu thương nhưng ở đây em cảm thấy em đang được nhận lại nguồn cảm hứng tích cực, tinh thần lạc quan của mọi người”- Nhật Minh nói.
Là thí sinh nhỏ con nhất, Hồng Tuyết lại nhận trải nghiệm vất vả nhất đó là cào nghêu. Trong bộ trang phục lấm lem bùn đất, Tuyết hào hứng chia sẻ: “Với em đây là một chuyến đi vô cùng ý nghĩa. Trải nghiệm cào nghêu của em bắt đầu từ 5h chiều tới 9h tối. Mặc dù là người đi trễ nhất trong các bạn nhưng bù lại em được thấy cảnh tuyệt đẹp trên biển. Mặt trời từ từ lặn và mặt trăng dần lên. Vì vậy, dù phải cào nghêu khá vất vả nhưng em không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại em rất thích thú”.
Sau một ngày căng mình trong những trải nghiệm vùng sông nước, không thí sinh nào thể hiện sự mệt mỏi. Các cô gái đều say sưa kể lại trải nghiệm của mình cho các bạn còn lại nghe và lên kế hoạch khởi công dự án cải tạo cầu Tám Mẹo vào sáng sớm ngày hôm sau…
Chuyện cầu Tám Mẹo
Cầu Tám Mẹo đặt theo tên người. Chi tiết này khiến nhiều người không khỏi tò mò. Về nhân vật Tám Mẹo, chỉ những người cao tuổi trong ấp Pháo Đài mới biết và còn nhớ. Trưởng ấp Pháo Đài, ông Nguyễn Văn Bướm (sinh năm 1951) kể: “Ông Tám Mẹo là người trong vùng, có công khai hoang một vùng đất trong ấp Pháo Đài. Ông to con và mạnh dữ lắm. Một mình ông vác bầu lúa chạy dưới đồng mà người trên bờ chạy không lại. Ông vác bao lúa cả 100 cân đi qua con rạch nước ngang bụng. Miệng đá lưới 4 người khiêng, một mình ông Tám Mẹo đi phăng phăng. Ông Tám Mẹo đã tới đây mở đất làm nông nghiệp. Để thuận tiện tưới tiêu, ông đã đào kênh chạy xung quanh và sau này được gọi là kênh Tám Mẹo. Chính vì thế, sau này khi người dân trong vùng hùn tiền xây câu cầy bắc qua kênh Tám Mẹo nên được gọi là cầu Tám Mẹo”- ông Bướm kể.
Hỏi ông trưởng ấp cũng như bà con trong vùng, cải tạo lại cầu Tám Mẹo và đổi sang tên rất Tây “Insee 8” (tên gọi đặt theo nhà tài trợ chính xây cầu) thì có khiến mọi người chạnh lòng. Ông Bướm cười lớn đáp: “Có cầu đi là được rồi, tên gì cũng được hết. Có cầu mới, các cháu học sinh đi học dễ dàng hơn, không còn cảnh cha mẹ, ông bà cõng con những ngày mưa nữa. Bà con vận chuyển hàng hoá, đi lại cũng thuận tiện hơn. Hạnh phúc lắm rồi!”.
Bên cạnh đó, bà Năm tiếp lời: “Bà con mừng lắm con ơi. Bà con ở đây trông đợi từng giờ từng phút 5- 6 năm nay rồi”.
Kết thúc buổi lễ khởi công dự án cải tạo cầu Tám Mẹo, mặc dù trời nắng gắt nhưng bà con vẫn nấn ná chưa muốn về. Rất nhiều câu chuyện cũ trong niềm vui mới được kể lại bên cầu. Ai nấy đều hân hoan khi nghĩ về tương lai ngày gần nhất cây cầu mới sẽ xuất hiện.
Đại diện các thí sinh thực hiện dự án “Nhịp cầu yêu thương”, Phạm Thị Thu Hà (SBD 182) chia sẻ: “Hành trình nhân ái để lại cho em nhiều kỉ niệm đẹp, ý nghĩa. Qua chương trình em trưởng thành hơn, cảm thấy yêu cuộc sống hơn và tự nhủ phải sống tốt hơn. Chúng em hi vọng sẽ có cơ hội trở lại vì nơi đây còn rất nhiều dự án đang chờ đợi được thực hiện trong tương lai”.