Dịch COVID-19 không chỉ tác động lớn đến đời sống con người mà còn “tấn công” bầy thú quý hiếm ở Thảo Cầm Viên trong những tháng qua. Những bữa ăn cho chúng đứng trước nguy cơ bị teo tóp từng ngày khi lượng khách đến Thảo Cầm Viên tiếp tục sụt giảm. Những người trực tiếp chăm sóc chúng đã sẵn sàng trích 30% lương mỗi tháng để “cứu đói” cho bầy thú vượt qua đại dịch COVID-19.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh Văn Minh
Trước đó trong đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm, Thảo Cầm Viên đã phải đóng cửa gần 2 tháng để phòng chống dịch. Sau khi mở cửa hoạt động trở lại lượng khách chưa tăng thì đợt dịch thứ 2 bùng phát. Hiện Thảo Cầm Viên vắng khách và chỉ hoạt động cầm chừng. Trung bình doanh thu khoảng 330 triệu đồng mỗi ngày, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện nay doanh thu sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn khoảng 15 triệu đồng mỗi ngày.
Trước nguy cơ hơn 1300 con thú bị đói, ngày 5/8, Thảo Cầm Viên đã kêu gọi sự ủng hộ của người dân, các nhà hảo tâm để bầy thú vượt qua giai đoạn khó khăn. Cùng với đó, Thảo Cầm Viên kêu gọi 300 cán bộ nhân viên đồng lòng giảm 30% lượng từ tháng 8/2020 để cùng nhau vượt qua khó khăn, trích một phần lương để đảm bảo bầy thú nuôi có đầy đủ thức ăn trong mùa dịch bệnh.
Ảnh hưởng đại dịch COVID-19, Thảo Cầm Viên phải đóng cửa 2 tháng.
Sau khi mở cửa hoạt động trở lại lượng khách đến thưa vắng. Ảnh Văn Minh
Sau hai ngày kêu gọi, hàng nghìn người dân khắp mọi miền đã ủng hộ hàng chục tấn rau củ quả tươi sạch, hơn 2,5 tỷ đồng để bầy thú no bụng. Ông Nguyễn Bá Phú, Phó Giám đốc Xí nghiệp động vật – Thảo Cầm Viên cho biết, Thảo Cầm Viên rất trân quý tấm lòng bà con mọi miền đã ủng hộ, với số tiền và vật chất như trên Thảo Cầm Viên xác định đã tạm đủ để giải quyết khó khăn trong đợt dịch COVID-19 lần này. Do đó Thảo Cầm Viên đã quyết định dừng kêu gọi đóng góp.
Thảo Cầm Viên kêu gọi ủng hộ từ người dân trong những ngày qua. Ảnh Văn Minh
“Những ngày qua, chúng tôi nhận được rất nhiều tin nhắn động viên từ người dân. Có người từ tận Bình Dương, Bình Phước đến Thảo Cầm Viên ủng hộ. Có người ủng hộ chục tấn bắp, thanh long…Cũng có người ủng hộ 1kg-2kg nho, nhãn…Chúng tôi rất cảm động và trân quý tấm lòng mọi người”, ông Nguyễn Bá Phú chia sẻ.
Dưới đây là những hình ảnh Thảo Cầm Viên cho bầy thú ăn:
Sau hai ngày kêu gọi ủng hộ, hàng nghìn lượt người đóng góp vật chất, tiền của để Thảo Cầm Viên vượt qua khó khăn, chăm sóc bầy thú no đủ hơn trong mùa dịch COVID-19.
được người dân chở đến Thảo Cầm Viên trong những ngày qua.
Có người ủng hộ 10 tấn bắp, 7 tấn thanh long, 2,5 tấn lê, 1,5 tấn nho, 1 tấn nhãn, và cả tấn chuối thế này.
Xe chở rau củ quả đến Thảo Cầm Viên.
Khu bếp chế biến thức ăn cho bầy thú vì thế cũng vui tươi lên với đầy ắp rau củ quả tươi sạch.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung đang chế biến thức ăn cho bầy thú.
Hôm nay là ngày làm cuối cùng trước khi chị nghỉ theo thế độ thai sản. Chị nói rất vui khi được mọi người ủng hộ vật chất nhiều thế này để bày thú được no đủ.
Chị làm 16 năm ở Thảo Cầm Viên, trước ngày nghỉ thai sản, chị ghi lại bảng thực đơn để người làm thay chị khỏi phải quên.
Ngoài chế độ ăn có rau củ quả, bầy thú còn ăn các loại thịt.
Thịt được nấu chín trước khi đưa bầy thú ăn.
Ngoài chế độ ăn đầy đủ, bầy thú ở Thảo Cầm Viên còn được các bác sỹ thú y theo dõi, chăm sóc mỗi ngày.
Bác sỹ thú y Nguyễn Phúc Thịnh, Tổ trưởng Tổ thú y đang chăm sóc một chú chim Hồng Hoàng bị gãy cánh.
Những con thú ở đây đều có những cái tên riêng được các bác sỹ thú y, người chăm sóc đặt. Chúng rất quý mến họ.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng vào ngày 23/3/1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo, là một trong những công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất TPHCM. Năm 1865, công trình hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm được nhập về từ các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia… và được mở rộng đến 20ha. Đến nay Thảo Cầm Viên có hơn 1300 con thú (đa phần nằm trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới) với 145 loài như linh trưởng, thú ăn thịt, chim, bò sát, lưỡng cư…
Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bảo tồn và nghiên cứu về tự nhiên. Sự liên kết chặt chẽ về mặt chuyên môn giữa Thảo Cầm Viên Sài Gòn và các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA), Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Hiệp hội Vườn thú và Hồ cá Thế giới (WAZA), Tổ chức Quản lý loài Quốc tế (ISIS), Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA)… là nền tảng vững chắc để Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp tục thực hiện các dự án bảo tồn và nghiên cứu thiên nhiên của mình.
Người dân khi ấy quen gọi Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Sở Thú và tên gọi phổ thông này vẫn gắn liền với Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho đến tận hôm nay. Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố.