Người đàn ông Nam Định cưới vợ, sinh con rồi 11 năm lại không thể 'làm chồng'

TPO - Sau khi được nghe bệnh nhân chia sẻ và hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện, các bác sĩ đã biết được lý do bất ngờ của việc chậm con ở đây là người chồng không thể cương lên đủ để quan hệ tình dục, do đó không thể xuất tinh trong suốt 11 năm qua.
Ảnh minh họa: Internet

Mới đây, các bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận một cặp vợ chồng từ Nam Định lên Hà Nội khám vì lý do vô sinh.

Theo lời kể, anh chồng năm nay 46 tuổi, người vợ 39 tuổi, họ có với nhau một cô con gái 14 tuổi. Nhưng kể từ đó đến nay, họ chưa thể sinh thêm người con thứ 2. Nỗi mong ngóng sinh thêm con thôi thúc họ đi khám bệnh nhưng không biết phải bắt đầu khám từ đâu. Ngoài ra, một lý do nữa mà đa phần hiện nay các cặp vợ chồng mắc phải đó là họ nghĩ điều này là xấu hổ với gia đình, hàng xóm nên cả hai vợ chồng vẫn giấu bệnh.

Đến đầu tháng 12/2020, hai vợ chồng đã đến Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Trong hai người, chị vợ là người bạo dạn hơn cả, chị nói với bác sĩ rằng: “Đề nghị bác sĩ làm thụ tinh ống nghiệm và chữa liệt dương cho chồng tôi!”. Các bác sĩ cảm nhận rõ sự buồn phiền, lo lắng của người vợ về chồng mình.

Theo TS.BS Nguyễn Hoài Bắc – Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, sau khi được nghe bệnh nhân chia sẻ và hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện, các bác sĩ đã biết được lý do bất ngờ của việc chậm con ở đây là người chồng không thể cương lên đủ để quan hệ tình dục, do đó không thể xuất tinh trong suốt 11 năm qua.

Và cũng chính vì thế, suốt hơn 11 năm qua, chuyện chăn gối của hai vợ chồng bị “đắp chiếu”. Các bác sĩ đã tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Theo đúng lịch khám lại, tuần 2 của tháng 1/2021, cặp vợ chồng ấy đến khám lại với bác sĩ. Lần này, bác sĩ nhận ra nụ cười tủm tỉm của người vợ khi báo tin là chồng đã lấy lại được khả năng cương dương của mình. Như vậy, sau đúng 11 năm, người chồng đã có khả năng xuất tinh để mong chờ có thêm một đứa con kháu khỉnh.

Bệnh liệt dương ở nam giới là hiện tượng rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, bệnh khiến dương vật không thể cương cứng hoặc có cương nhưng không đủ độ cứng để tiến hành giao hợp. Liệt dương còn có thể thấy qua biểu hiện dương vật bị mềm sớm, trước khi xuất tinh, không xuất tinh, xuất tinh sớm, thiếu hay mất cực khoái. Liệt dương không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và sinh lý ở nam giới, mà còn khiến tâm lý của người bệnh bị tác động nặng nề, gây ra những hệ lụy xấu cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, người mắc bệnh liệt dương thường mặc cảm và e ngại nên không đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, vì thế không thể khắc phục được chứng bệnh này và những hệ quả mà nó đem lại.

Rối loạn cương dương dẫn đến liệt dương là một hội chứng rất phổ biến, nhưng vì là vấn đề nhạy cảm ở nam giới nên ít được thảo luận rộng rãi. Khoảng 5% nam giới trên 40 tuổi và 15-25% nam giới trên 65 tuổi có triệu chứng rối loạn cương dương.

Triệu chứng bệnh liệt dương

Dấu hiệu liệt dương ở nam giới rất khác nhau tùy theo bệnh nhân. Theo Hội Nam học thế giới, liệt dương ở mức độ khác nhau sẽ xuất hiện dấu hiệu lâm sàng khác nhau:

Mức độ nhẹ: nam giới bị liệt dương vẫn có nhu cầu tình dục như bình thường, dương vật vẫn cương cứng nhưng thời gian cương cứng ngắn, dễ xuất tinh ngay sau khi vào âm đạo.

Mức độ trung bình: ham muốn giảm dần, dương vật mất nhiều thời gian để cương cứng, giảm tần suất xuất tinh. Ở giai đoạn này, người bị liệt dương không thể duy trì trạng thái cương cứng dương vật.

Mức độ nặng: dương vật không thể cương cứng, nam giới không còn khoái cảm khi quan hệ.

Đối tượng nguy cơ bệnh liệt dương

Những người có nguy cơ mắc bệnh liệt dương bao gồm:

Người thường xuyên làm ca đêm, thức khuya

Người hay uống rượu, hút thuốc

Người hay buồn rầu, trầm cảm

Người thường xuyên ngoại tình

Người dễ nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc

Người có thói quen quan hệ ngay sau khi tắm

Người mắc hội chứng chuyển hóa: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, béo phì

Người có lối sống thụ động, ít vận động thể chất

Người bị suy sinh dục