Người dân Libya và Ai Cập thất vọng với “Mùa xuân A Rập”

TP - Không công ăn việc làm, không có tiền, đường phố không ai quét dọn, quy tắc trật tự giao thông không ai tuân theo là kết quả của “Mùa xuân A Rập” đang gây thất vọng lớn cho chính người A Rập.

Vỡ mộng 'Mùa xuân A rập'

Đã gần 2 tháng qua kể từ ngày nhà độc tài Gaddafi bị sát hại, người dân Libya lại xuống đường. Tại Benghazi – thành phố được coi là cái nôi của cách mạng Libya – liên tiếp diễn ra mít tinh và cuộc mít tinh lớn nhất mấy ngày qua với sự tham gia của hơn 30.000 người bày tỏ sự bất bình với chính quyền mới của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC). Yêu sách của họ cũng chính là yêu sách mà trước kia phe đối lập đã đề ra với nhà độc tài Gaddafi – đó là chính quyền mới phải từ chức.

Chủ tịch NTC đã gián tiếp trả lời những người biểu tình bằng cách tuyên bố đại khái như sau: “Các bạn hãy ủng hộ Chính phủ chuyển tiếp và giữ thái độ bình tĩnh. Các bạn đã chịu đựng được Gaddafi 40 năm kia mà. Vậy giờ đây hãy cho chúng tôi thời gian giải quyết mọi việc”.

Nhưng dường như người dân Libya không còn đủ kiên nhẫn. Tại một số địa phương, pháo và súng tự động đã bắt đầu được tung vào cuộc để làm rõ ai đã đóng góp nhiều hơn cho cách mạng hoặc đơn giản chỉ là để làm rõ giờ đây ai mới là người chủ thật sự.

Có thế nói cả nước Libya giờ đây giống như một tấm chăn do nhiều mảnh ghép lại. Mỗi tỉnh đều có chính quyền riêng và chính quyền này nhiều khi không phục tùng NTC. Tất cả không chỉ chiến đấu với nhau mà còn chiến đấu cả với Chính phủ của NTC.

Mặc dù NTC luôn nói tới sự cần thiết phải hoà giải dân tộc và hy vọng sẽ làm được điều này trên cơ sở Hồi giáo nhưng tình hình thực tế dường như diễn ra ngược với mong muốn của họ.

Tại nước Ai Cập láng giềng tình hình sau cách mạng cũng không sáng sủa hơn. Người dân không thấy những cải cách xã hội to lớn mà họ hy vọng. Không có công ăn việc làm, không có tiền. Đường phố không ai quét dọn, quy tắc trật tự giao thông không ai tuân theo. Những lực lượng giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa diễn ra đa phần là các tổ chức Hồi giáo (hoặc đại diện của nhóm Hồi giáo Salafit chính thống, hoặc những thành viên cực đoan của tổ chức “Anh em Hồi giáo”). Không ít người miêu tả một cách bi quan rằng: “Trước đây họ đã từng sống như vậy – lúc đầu họ chẳng có gì hết và về sau họ chẳng còn lại gì hết”.

Vũ Việt
Theo Vesti.ru

Theo Báo giấy