Quảng Nam:

Người dân làng rau Bàu Tròn trắng tay sau lũ

TPO - Hai trận lũ liên tiếp khiến hàng trăm héc ra rau của người dân Quảng Nam ngập trong nước lũ, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Người dân làng rau Bàu Tròn trắng tay sau lũ.

Làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) được xem là làng rau sạch lớn nhất Quảng Nam. Làng có 300 hộ tham gia sản xuất vùng chuyên canh nhưng hiện tại cả cánh đồng rau chỉ còn lại là đống bùn sình lầy đè lên những đám rau vốn xanh non tươi tốt, hàng chục héc ta rau vừa xuống giống cũng hư hại hoàn toàn. Theo nhiều người dân, đây là đợt mưa lũ bất thường bởi theo kinh nghiệm qua 23/10 âm lịch là đã hết mưa lũ, thời tiết thuận lợi để có thể gieo giống.

Chứng kiến hơn 7 sào rau màu đang ngập ngụa trong sình lầy mưa lũ, ông Phan Văn Đùng mệt mỏi: “Hơn 7 sào có cả ớt, khổ qua, đậu… đều hư hại hết. Tết nhất đến nơi mà còn thế này…”. Đầu tư hơn 7 sào rau màu ông Đùng dự liến sẽ cho thu nhập 500 triệu đồng vụ tết.

Còn bà Huỳnh Thị Bảy (xã Đại An, huyện Đại Lộc), chua xót: “Thu nhập chỉ trông vô hoa màu mà giờ hư hết cả. Mấy năm có ai mưa lũ kiểu ri mô. Khổ chi mà mà khổ. Năm ni coi như không có tết rồi!

Ông Lê trọng Quốc – Giám đốc HTX Bàu Tròn cho biết, trận mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con vùng chuyên canh rau, nhất là đang thời kỳ chuẩn bị cho vụ tết. Đáng ngại hơn là ngoài thiệt hại thì người dân gặp phải khó khăn do khan hiếm giống cây trồng.

Ngoài xã Đại An với (165 ha), các xã khác như Đại Hồng (200ha), Đại Lãnh (110 ha)… tổng thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Huyện Đại Lộc được xem là địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ trận mưa lũ. Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn, cho biết thống kê toàn huyện có 1 người chết, 12 người bị thương; hơn 12.000 nhà bị ngập; hơn 2.600 ha rau màu bị hư hại; hơn 4.000 con gia cầm, gia súc bị chết và cuốn trôi…

Từ ngày 17/12 huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Các ngành chức năng kiểm tra hệ thống điện, đường, trường học…nhằm đmả bảo nhu cầu đi lại, sinh hoạt. các lực lượng xung kích, lực lượng vũ trang tổ chức dọ vệ sinh môi trường, sửa chữa dọn dẹp điểm bị ngập lụt; phòng Kinh tế hạ tầng , UBND các xã, thị trấn kiểm tra các tuyến đường , tổ chức sữa chữa, khắc phục nhanh các sự cố sạt ở, hư hỏng trên các tuyến đường giao thông; các ngành chức năng kịp thời các sự cố điện, thông tin liên lạc đảm bảo liên tục, thông suốt…