Trước đây, cây cọ được các gia đình ở vùng trung du, miền núi ở Hà Tĩnh trồng quanh nhà, hoặc trên đồi. Những gốc cọ này có tuổi đời từ 6-20 năm.
Bên cạnh việc dùng lá để làm mái nhà thì nay nhiều gia đình cũng có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/mùa nhờ bán thứ quả này.
Thông thường từ tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch, những cây cọ đơm hoa, kết trái. Đến khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 quả cọ bắt đầu chín, cho thu hoạch.
Khi màu vỏ quả cọ chuyển từ xanh sang nâu và đen lại, người dân hái về rửa sạch bụi đất, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như muối, om, nấu xôi…
Cây cọ cao từ 6-10m, thân cây nhiều cành có gai, cỏ dại cũng mọc trên những phần thân này.
Để hái được cọ, người dân phải sử dụng thang để trèo, có những cây cao lớn hơn phải dùng thêm sào để hái.
Người dân cho hay, cọ có nhiều gốc cho quả ngon, bùi và béo ngậy, nhưng cũng có gốc chát, khó ăn.
Những quả cọ tròn, cùi dày, có màu vàng đậm, dẻo được gọi là cọ nếp. Loại cây cọ này được đánh giá là ngon nhất.
Dịp này người dân ở xã Sơn Tiến (huyện Hương Sơn) đang vào mùa thu hoạch cọ. Ở vùng này hầu như nhà nào cũng có ít nhất 2 gốc ở sau nhà và trước vườn.
Bà Nguyễn Thị Khiêm (trú xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) cho biết, cọ trồng từ khoảng năm thứ 6 trở lên mới cho quả ngon. Vì gốc cây cao nên muốn hái được qủa phải dùng thang để trèo lên hái. Mỗi gốc cho từ 20-30kg quả cọ.
Theo người dân, cây cọ có thể sử dụng được toàn thân, đối với lá có thể làm nón, mũ, quạt, lợp mái nhà; Cuống lá dùng chẻ nan dệt mành, thân cây cọ già có thể làm các đồ thủ công mỹ nghệ.
Cành cọ sau khi được hái quả.
Cọ sau khi hái sẽ cho vào rổ tre, vừa xả nước, vừa xóc để cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài.
Người dân sử dụng tay và rổ tre để làm sạch vỏ cọ để tránh vị chát khi ăn.
Quả cọ sau khi cạo sạch hết lớp vỏ xanh bên ngoài.
Người dân cho biết, cọ càng già thì vị càng ngậy, càng béo và bùi. Cọ đang được bán với giá từ 10-30 ngàn đồng/kg.
Quả cọ để kho cá, kho thịt, nấu xôi và làm thành món cọ om lừng danh, ngon nức tiếng vào những ngày Đông lạnh giá.
Hoài Nam