NIỀM HÂN HẠNH CHỤP BÁC
Tôi nhớ hôm ấy không có máy bay Mỹ đến vùng trời Hà Nội và Hà Tây. Sau cơn mưa trời quang đãng, tối đến tràn ngập không khí thanh bình. Thầy trò chúng tôi kéo lên đê Cấn Hữu huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) hóng mát, trò chuyện. Được một hồi lại quay về câu chuyện hai tấm ảnh: Bác Hồ trao Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn, và Bác Hồ chúc mừng vợ chồng Bác Tôn nhận Huân chương Sao vàng (ngày 19/8/1958) do Đinh Thúy chụp.
Lúc chiều thầy Nguyễn Văn Phú giảng: “Bức thứ nhất là ảnh nghi thức, phóng viên không được bỏ qua. Bức thứ hai ngoài nghi thức nhưng rất giá trị, phóng viên phải nhạy cảm mới có được... Vì bức thứ hai này nói được tình cảm chân thành của Bác Hồ, phong cách chủ động thân ái của Bác Hồ với vợ chồng Bác Tôn. Để có thành công này, Đinh Thúy đã phải đi một chặng đường dài gần chục năm từ các bức vẽ truyền thần chân dung Bác Hồ ở Sài Gòn đến ngày chính mình cầm máy ảnh trực tiếp chụp Bác tại Hà Nội...”.
Trăng lên cao sáng rời rợi, bầu trời trong veo. Tựa lưng vào đê, thầy Phú kể: Đinh Thúy và ông (Nguyễn Văn Phú) trong kháng Pháp đều là phóng viên ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn. Tập kết ra Bắc, hai ông được điều về Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam- TTXVN). Khi ở Sài Gòn, những lúc không cầm máy ảnh đi công tác, Đinh Thúy thường ra xưởng, vẽ chân dung Bác Hồ. Các bức chân dung đó được gửi tới một số quận, huyện để các chi bộ, ủy ban treo lên khán đài làm lễ khánh tiết các hội nghị, mít tinh, lễ tuyên thệ của bộ đội trước khi ra trận... Nhiều lần Văn Phú bắt gặp Đinh Thúy bước vào bàn vẽ với tiếng hát nho nhỏ, bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của Phong Nhã. Văn Phú rất thích giọng Quảng Bình trầm ấm của ông: Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài...
Thì ra Đinh Thúy hát để lấy cảm hứng vẽ Bác cho thật đẹp. Mặc dù trong tay ông đã có mấy ảnh mẫu về Bác. (Đấy là chuyện đầu những năm 1950, cách buổi chuyện trò của chúng tôi chừng 14-15 năm).
Thầy Phú kể tiếp: Chụp được bức ảnh Bác Hồ chúc mừng Bác Tôn nhận Huân chương Sao vàng, Đinh Thúy không giấu nổi niềm vui sướng, ông vỗ vai Văn Phú, chia sẻ với người đồng nghiệp lâu năm từng có ảnh đẹp về Bác Hồ: “Phú ơi, thật may mắn, giờ mới thực sự ghi được thần thái Bác, phong cách Bác, con người Bác...”.
Thấy chúng tôi say sưa nghe chuyện, thầy Phú hào hứng nói:
“Các cậu phải biết rằng, ảnh đẹp rất gây ấn tượng. Bây giờ mình không có ảnh trong tay, nhưng vẫn hình dung ra ba khuôn mặt phúc hậu, ba dáng vẻ vui sướng khác nhau của ba người: Bác Hồ cười rạng rỡ, hai tay dang rộng ôm lấy lưng hai vợ chồng Bác Tôn. Còn Bác Tôn cười hồn nhiên, vỗ tay đáp lại sự chào mừng nồng nhiệt của quan khách. Bác Tôn gái thì hai tay nắm vào nhau dáng khiêm nhường với nụ cười thầm kín, nét mặt ấy rất đặc trưng cho các má miền Nam. Không dễ có được kiểu ảnh như vậy đâu. Chỉ tác phong thân ái của Bác Hồ mới tạo ra cái không khí đầm ấm như vậy. Và cũng chỉ những nhà nhiếp ảnh giàu cảm xúc, nhanh nhẹn như Đinh Thúy mới chụp được những bức ảnh như vậy… Vào Nam các cậu sẽ được làm việc với anh Đinh Thúy, một người cởi mở dễ hòa đồng, gương mẫu trong công việc...”.
Chúng tôi háo hức đi B lắm. Nhưng hết khóa học, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phải sẻ lại nửa lớp để bổ sung phóng viên ảnh cho các phân xã, và các tổ ảnh chuyên đề của Tổng xã ở Hà Nội. Do đó hơn chục anh chị em phóng viên trẻ trong đó có tôi không được vào Nam với anh Đinh Thúy. Câu chuyện ấy tưởng chừng trôi qua, không ngờ 30 năm sau lại trở về đầy xúc động.
NGHĨA TÌNH VỚI ĐẤT PHƯƠNG NAM
Năm 1997, khi làm đề cương cuốn sách Sống mãi những tấm ảnh để lại nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thương binh liệt sĩ, tôi có dịp tiếp cận gia đình liệt sĩ Bùi Đình Túy ở khu tập thể TTXVN phố Mai Hương, quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Thì ra, ngày ấy cũng tròn 30 năm nhà nhiếp ảnh Đinh Thúy từ giã gia đình và chúng tôi.
Anh Bùi Đình Toái, con trai bác Túy trao cho tôi cuốn album, nó giống như tập ma-két ảnh nhỏ bằng quyển vở học sinh, ảnh dán lên các trang giấy giang mầu cánh gián thô ráp. Trong đó có khoảng 50 ảnh cỡ 4x6 cm, dưới mỗi ảnh đều có ghi chú ngắn gọn. Mở đầu là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đinh Thúy vẽ, và bức ảnh Đinh Thúy đang vẽ chân dung Bác. Tôi mừng quá, câu chuyện thầy Phú kể trong đêm trăng ở bờ đê xã Cấn Hữu năm nào lại trở về.
Anh Toái lật từng trang ảnh, chậm rãi giới thiệu. Tiếp theo tấm chân dung Bác Hồ là những ảnh Đinh Thúy chụp ở Nam Bộ, chủ yếu là ảnh quân và dân Sài Gòn đánh Pháp. Ví như: ảnh Du kích quân dùng súng Ba-dô-ca của Công binh xưởng Tháng Tám do ta sản xuất đánh giặc. Ảnh Một ổ phục kích của tự vệ Sài Gòn đánh địch bằng súng Piast ở Sở thương K9, hay ảnh Quân ta dùng súng Mortier 91 ly của giặc giết giặc... Đúng như câu hát trong bài Du kích ca những năm đó: Cướp súng giặc giết giặc, đánh quân thù bất ngờ... Tập ảnh này giúp chúng tôi có thêm tài liệu về cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn, cũng như hiểu thêm về thành tựu nghề nghiệp của Đinh Thúy những năm chống Pháp. Đây là những bức ảnh quí hiếm, chỉ những người yêu nghề và có ý thức về giá trị tài liệu, giá trị lịch sử của nhiếp ảnh mới chắt chiu gìn giữ chúng như vậy.
Anh Bùi Đình Toái kể:
“Trước khi đi B, cha tôi giao lại cho mẹ tôi tập ảnh này. Mẹ tôi để trong rương đựng quần áo và đồ tư trang, đi sơ tán cũng mang theo. Ngày nhận tin cha hy sinh, tôi mở ra xem thì mới biết đây là những ảnh ông chụp trong thời kỳ chống Pháp, hầu như chưa xuất hiện trên mặt báo.
Quê tôi ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cha tôi sinh 1914. Đến năm 1935 ông 21 tuổi, ra Bắc học trường Bách nghệ Hà Nội, theo nghề ảnh và hội họa. Năm 1936 ông cùng các bạn trong trường tham gia bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh, vì vậy bị đuổi học. Sau đó ông vào Sài Gòn, làm thợ vẽ cho rạp chiếu phim Indochine. Ở đây ông lại tham gia các hoạt động Việt Minh yêu nước và bị bắt, cầm tù. Ra tù ông tiếp tục công tác trong Mặt trận Việt Minh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được phân công phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn, làm phóng viên báo Cảm tử quân của Sài Gòn - Chợ Lớn. Còn từ ngày tập kết ra Bắc, về TTXVN thì các anh biết, có khi còn rõ hơn tôi”.
Cầm cuốn album về, lòng tôi đầy xao xuyến. Ngay từ khi Phân xã Nhiếp ảnh được thành lập, cấp trên phân công Đinh Thúy làm Phó chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh TTXVN, đặc trách làm phóng viên chính trị, ngoại giao, chụp các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đinh Thúy nhiều lần tiếp cận Bác Hồ, từng chụp ảnh Bác thăm Ấn Độ và một số nước anh em. Ông là người có tính chuyên nghiệp sâu và tâm hồn nghệ sĩ đam mê nghệ thuật nên năm 1961 được cơ quan cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức tham quan và học tập qui trình làm ảnh màu để về nước xây dựng phòng sản xuất ảnh màu đầu tiên của TTXVN. Ông là người đầu tiên chụp ảnh Bác Hồ bằng phim màu Orwo của CHDC Đức. Để xây dựng Thông tấn xã Giải phóng, TTXVN cử ông đi B, làm Phó giám đốc TTXGP, chăm lo lực lượng nhiếp ảnh trong Nam. Bận bịu công việc hành chính nhưng không lúc nào ông rời tay máy.
Bùi Đình Túy hy sinh nhưng đã có hàng chục tay máy trẻ tốt nghiệp đại học từ Hà Nội kịp vào “cứ” ở Tây Ninh, triển khai kế hoạch do ông đề xuất đi các chiến trường Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Toàn Phong, Hoàng Văn Thính, Hữu Hiền... đều noi gương ông, tiếp tục sự nghiệp của ông, xông pha chiến trường. Họ đã cùng ông tạo dựng pho sử thi bằng ảnh vô giá về Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bùi Đình Túy được Nhà nước phong tặng và truy tặng nhiều huân huy chương kháng chiến các loại. Và được Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên cho một đường phố và một cây cầu: Đường Bùi Đình Túy, cầu Bùi Đình Túy-phường 12, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Con đường mang tên ông là con đường theo chân Bác giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mấy ai có hân hạnh và sức mạnh như ông được cầm máy chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi lại hình ảnh Nam bộ - Thành đồng Tổ quốc hai lần đứng lên bảo vệ nền độc lập và tự do của dân tộc ta.
Nhiều lần Đinh Thúy theo bộ đội ra trận, theo các đoàn xe thồ vận tải lương thực, theo các chuyên gia nghiên cứu cách chống chất độc hóa học, đi sâu vào các xưởng công binh, xưởng quân nhu chụp ảnh v.v... Sau khi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất năm 1967, trên đường về căn cứ, không may ông bị máy bay Mỹ dội bom, hy sinh ở Trảng Dầu, sông Bé. Bộ đội, dân làng ra sức tìm kiếm nhưng không thấy thi thể nhà nhiếp ảnh Đinh Thúy! Một tổn thất lớn của gia đình và TTXVN.