Người bán phải trả lại giấy đăng ký, bắt buộc sang tên đổi chủ
Ngày 10/6, Cục CSGT (Bộ Công an) tổ chức hội nghị thông tin báo chí về công tác trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019.
Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết đơn vị đang nghiên cứu để đề xuất sửa thông tư quy định về đăng ký xe (thay thế Thông tư 15/2014 của Bộ Công an) theo hướng tăng trách nhiệm của người mua, bán xe.
Theo đó, xe đã đăng ký, cấp biển số thì khi chủ xe bán, tặng phải nộp lại đăng ký, biển số và thông báo cho cơ quan đăng ký xe trước khi bàn giao xe.
Nguyên nhân, theo ông Dũng, hiện CSGT gặp nhiều khó khăn trong việc xử phạt "nguội" qua hình ảnh vì vướng vấn đề xác minh chủ phương tiện vi phạm. Nhiều trường hợp cảnh sát gửi giấy mời mấy lần không đến tay người vi phạm, do chủ phương tiện thay đổi liên tục trong quá trình mua, bán xe song không nộp lại đăng ký.
Để giải quyết tình trạng trên, Trung tướng Dũng cho rằng, "khi mua bán xe, chậm nhất trong 7 ngày, người bán phải trả lại giấy đăng ký, người mua bắt buộc phải làm lại theo đúng tên của mình; còn trường hợp không nộp lại sẽ bị cảnh sát xử phạt hành vi không đăng ký xe theo quy định".
Ngoài ra, Cục CSGT đề xuất người dân khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng; thông qua đăng ký tài khoản ngân hàng giúp cảnh sát dễ dàng xử phạt vi phạm, đồng thời tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần. "Việc này cần được thảo luận thêm và chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ của người dân, các cơ quan liên quan", Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.
Đề nghị Bộ Y tế kiểm tra lại số liệu người chết vì tai nạn giao thông
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng thừa nhận số liệu người chết vì tai nạn giao thông của Bộ Công an và Bộ Y tế có chênh lệch. Tuy nhiên, số chênh lệch không đến mức "gấp đôi" như đại biểu Quốc hội nêu. Cục CSGT đang đề nghị Bộ Y tế kiểm tra lại nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Theo ông Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số liệu giữa 2 bộ bị lệch như: Thông tin trao đổi giữa hai bộ chưa đồng nhất. “Có nhiều trường hợp người dân bị tai nạn được đưa đến bệnh viện rồi tử vong nhưng không báo công an thì công an không thể biết để cập nhật số liệu", ông Dũng chia sẻ. Ngoài ra, lãnh đạo Cục CSGT cũng nhắc đến trường hợp người dân tử vong vì đánh nhau hoặc một số nguyên nhân không tiện nói song họ vẫn khai báo với bệnh viện là bị tai nạn giao thông.
Trước đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công an tại Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã nêu vấn đề chênh lệch trong thống kê số người chết vì TNGT. "Bộ Công an xác định có hơn 8.000 người chết nhưng Bộ Y tế thống kê hơn 15.000, chênh lệch rất nhiều. Bộ cần tính lại để hoạch định chính sách", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) bày tỏ sự băn khoăn về số liệu thống kê, số người chết do tai nạn giao thông khi con số mà Bộ Công an đưa ra chỉ bằng 1/2 so với Bộ Y tế và bằng 1/3 của Tổ chức Y tế Thế giới. Bà đề nghị Bộ trưởng làm rõ thông tin trên và chỉ ra số liệu nào là chính xác và đầy đủ nhất.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận số liệu giữa 2 bộ có sự chênh lệch do cách thống kê khác nhau. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Công an, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Y tế cần tiếp thu ý kiến đại biểu và phối hợp để đưa ra con số chính xác.
Theo số liệu của Cục CSGT, trong 6 tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử phạt gần 1,8 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 2.000 tỷ đồng. Cảnh sát cũng phát hiện gần 240 tài xế ôtô dương tính với ma tuý và gần 73.200 tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Trong 10 ngày phần mềm tra cứu thông tin xe vi phạm hoạt động, có hơn 3 triệu lượt truy cập, tra cứu các lỗi vi phạm. CSGT toàn quốc cập nhật 13.670 trường hợp bị tạm giữ, tước giấy phép lái xe và trên 2.600 xe vi phạm bị hệ thống camera phát hiện.