Ngược dòng việc minh bạch hóa tên sữa?

TP - Liên quan đến việc thiếu rành mạch giữa sữa bột và sữa tươi trên nhãn sữa hiện nay (Tiền Phong đã phản ánh khá kỹ), Hiệp hội sữa Việt Nam vừa có công văn gửi “lãnh đạo các cơ quan truyền thông tại Việt Nam” cho rằng: thông tin phản ánh “chưa thật đúng với thực tế ngành sữa” và việc sửa đối khái niệm sữa sẽ “lệch lạc”.

Như Tiền Phong đã đưa, việc sử dụng tên gọi “sữa tiệt trùng” để chỉ loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột nhập khẩu (hiện ở châu Âu đang giảm giá sâu) làm cho người tiêu dùng có thể nhầm lẫn loại sữa này với sữa chế biến từ sữa tươi vốn được coi là có sự khác biệt về chất lượng và giá trị.

Đại diện của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đều khẳng định việc Bộ Y tế cho tồn tại khái niệm “sữa tiệt trùng” gây ra nhiều bất cập, trái thông lệ quốc tế. Tháng 8/2015, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội giám sát chuyên đề, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi khái niệm “sữa tiệt trùng”. 

Hiện, Bộ Y tế đã hoàn thành dự thảo sửa đổi khái niệm sữa dạng lỏng. “Sữa tiệt trùng” sẽ được gọi dưới hai khái niệm: “Sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” theo đúng thông lệ quốc tế. Ngoài ra, ban soạn thảo đưa ra khái niệm “sữa hỗn hợp” (không có trong Codex - tiêu chuẩn thực phẩm phổ biến nhất thế giới).

Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, Hiệp hội sữa (không bao gồm tất cả các doanh nghiệp sữa), lại nêu trong công văn: “Đã có nhiều chuyên gia cho rằng cần có những đánh giá, nghiên cứu thận trọng, nếu vội vàng thay đổi dễ dẫn tới những lệch lạc trong chính sách...”. Không dẫn ra bất cứ luận cứ nào để chứng minh luận điểm trên, công văn đề nghị các cơ quan báo chí “thông tin đến ngành sữa đa chiều; không vì lợi ích riêng của doanh nghiệp nào, gây ảnh hưởng chung đến toàn ngành”. Đây thực sự là một công văn khó hiểu trước diễn biến và hiện trạng của vấn đề.

Cũng cần nói thêm, đến nay, trọn 1 năm xây dựng, dự thảo mới về tên gọi của sữa vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành.