Ngôi nhà trang trại được xây dựng một khu rừng tư nhân rậm rạp với nhiều cây lớn. Thiết kế của ngôi nhà là kết quả của mong muốn giữ lại toàn bộ cây xanh của gia chủ.
Hình dáng của ngôi nhà có chút kỳ lạ, trông giống như 2 ngọn đồi úp vào nhau, tách nhau bằng một khoảng sân hở. Một bên là khu vực khách và bếp ăn, một bên là phòng ngủ và khu vệ sinh.
Hai khối nhà đối diện nhau, có thể quan sát lẫn nhau nhờ hệ cửa kính toàn bộ theo khung vòm của ngôi nhà.
Khoảng sân trong được thế kế mở, thiết kế tự nhiên với hồ nước và đá tảng. Khoảng sân này tạo ra ánh sáng tự nhiên cung cấp cho bên trong không gian của hai vòm nhà.
Điểm đặc biệt của thiết kế đó là sử dụng Sithu kal – Những viên gạch nhỏ 3 lớp được sử dụng cho kỹ thuật mái sân thượng madras ở Nam Ấn Độ nhưng hiện nay còn ít được sử dụng. Bằng cách sử dụng vật liệu này, những công nhân thất nghiệp có cơ hội ổn định công việc trở lại.
Là một công trình thân thiện với môi trường, vật liệu tái sử dụng được dùng cho nhiều công việc: Gạch vỡ từ các nhà máy đã được tái sử dụng để tránh sử dụng các hóa chất chống thấm đắt tiền; Khung và giá đỡ của mái vòm trong quá trình xây dựng sau này được sử dụng để đóng các đồ nội thất tích hợp như ghế sofa, quầy ăn sáng và giường, cũng như làm khung lợp mái; Gỗ làm đồ nội thất và cửa được sử dụng từ gỗ thải có nguồn gốc địa phương; Để bao bọc mái vòm đôi, bức tường đất được xây dựng nhờ bùn được thu thập ngay tại công trường.