> Thí sinh “ảo” - Nhiều trường “gọi” nguyện vọng 2&3
Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhiều ngành, số thí sinh trúng tuyển NV1 nhập học khá ít như: Ngành Hóa học chỉ có 79 thí sinh nhập học trong khi số trúng tuyển là 164 thí sinh, ngành Sư phạm Hóa cũng có 96 dù số thí sinh trúng tuyển là 137.
Các ngành như: Toán tin, Sư phạm Sinh, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Địa lý… số thí sinh nhập học đều ít hơn nhiều so với lượng thí sinh trúng tuyển NV1.
Tương tự, Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM, sau khi công bố điểm chuẩn NV1, trường đã cấp giấy báo nhập học, cho 4.812 thí sinh. Kết quả, sau khi kết thúc nhập học có 1.500 thí sinh làm thủ tục nhập học.
ThS. Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, trường có 2.500 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 1.500 thí sinh đến làm thủ tục nhập học (đạt khoảng 60%).
Trong khi đó, hệ CĐ của trường có hơn 600 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có khoảng 20% làm thủ tục nhập học. Để bù lại lượng thí sinh ảo, ở đợt xét tuyển NV bổ sung hệ ĐH, dù ban đầu chỉ tiêu là 1.300 nhưng trường dự kiến tuyển khoảng 2.000 mới mong tuyển đủ chỉ tiêu.
Tại hàng loạt các trường ĐH khác như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Tài chính- Marketing, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM… cũng xảy ra tình trạng thí sinh ảo.
Ngay cả các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM như: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Kinh tế cũng xảy ra tình trạng nhiều thí sinh ảo.
Lý giải về vấn đề thí sinh trúng tuyển ảo tăng so với mọi năm, đại diện các trường ĐH cho rằng, do thi 3 chung: chung đợt, chung đề, chung kết quả nên nhiều thí sinh thi 2 khối và trúng tuyển cả hai nhưng các em chỉ chọn một trường để học.
Mặt khác, năm nay thời gian xét tuyển NV bổ sung kéo dài tới 30-11 và mỗi trường đưa ra một hình thức xét tuyển bổ sung khác nhau nên có thí sinh cùng lúc trúng tuyển NV bổ sung ở 3, 4 trường ĐH.
Vì thế nên dù trúng tuyển nhưng các em vẫn dè chừng, không nhập học. Theo trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TPHCM thì để tránh tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo, các trường cần tính toán và dự phòng được lượng thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học.
Các trường phải gọi thí sinh trúng tuyển nhiều gấp đôi, gấp 3 so với chỉ tiêu thì may ra mới đủ chỉ tiêu.