Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/3 dân số thế giới có sử dụng rượu, trong đó 77 triệu người lạm dụng rượu. Nghiện rượu không chỉ là một bệnh mạn tính trầm trọng mà còn là một vấn đề xã hội nhức nhối.
Thế nào là nghiện rượu?
Theo cách hiểu thông thường, nghiện rượu là tình trạng dùng rượu nhiều lần thành quen, muốn bỏ mà không bỏ được, bỏ thì thèm và vật vã khó chịu.
Biểu hiện nghiện rượu
Có thể chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (giai đoạn suy nhược): Số lượng rượu uống của bệnh nhân tăng dần. Bệnh nhân uống 400-500 ml rượu 40 độ cồn mỗi ngày. Bệnh nhân mất phản xạ nôn khi uống quá mức. Người bệnh trở lên độc ác, hay quấy nhiễu, dễ nổi khùng và đa nghi.
Các triệu chứng này xuất hiện trên nền của trạng thái suy nhược thần kinh như: uể oải, đuối sức, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, làm giảm khả năng lao động và hiệu suất công tác. Giai đoạn này thường kéo dài 5-10 năm, tùy thuộc vào cường độ uống rượu của người bệnh.
Giai đoạn 2 (giai đoạn có hội chứng cai): Tình trạng uống rượu ngày càng gia tăng, bệnh nhân không còn đủ nghị lực để đấu tranh với cơn thèm rượu. Mỗi ngày họ uống chứng 1500-2000 ml rượu 40 độ cồn.
Đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là hội chứng cai xảy ra sau khi bệnh nhân ngừng uống rượu vài giờ hoặc vài ngày. Nhưng nếu bệnh nhân được uống rượu trở lại thì hội chứng cai biến mất. Các bệnh nhân này thường trong trạng thái buồn rầu, dễ bực tức, giận dữ, độc ác, đa nghi. Họ bị biến đổi nhân cách trầm trọng, lối sống bê tha và thường có hành vi hung bạo. Giai đoạn này thường kéo dài 5-10 năm.
Giai đoạn 3 (giai đoạn bệnh não thực tổn do rượu): Trong giai đoạn này, khả năng dung nạp rượu của bệnh nhân kém dần, bệnh nhân chỉ uống mỗi lần khoảng 150-200ml rượu mạnh là say và thời gian say kéo dài và hội chứng cai cũng dài hơn trước. Các bệnh nhân này có các tổn thương thực tổn như teo não, xơ gan, cao huyết áp, suy thận, loét dạ dày, tá tràng…
Các rối loạn tâm thần cũng ngày càng sâu sắc như: hoang tưởng ghen tuông, chống đối xã hội, hành vi thô bạo và hay nổi khùng. Đôi khi bệnh nhân có rối loạn trầm cảm, trí nhớ và chú ý giảm sút đáng kể, mất dần khả năng học tập và lao động vốn có.