Viettel – ‘Phên giậu mềm’ của Quốc gia
Nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự công nghệ cao
> Viettel – ‘Phên giậu mềm’ của Quốc gia
Thao trường sau một cơn mưa hè xối xả. Tốp xe tăng theo đội hình ầm ầm lao về phía trước. Bùn và đất cuộn vào vòng xích bắn tung tóe. Ngồi trong xe, một trung úy điều khiển điện đài liên tục nhận lệnh từ sở chỉ huy.
Mặc dù, trong điều kiện xe chạy nhanh, tiếng ồn khá lớn nhưng việc liên lạc vẫn rất ổn định, rõ ràng. Đó là nhờ chiếc máy thông tin quân sự sóng cực ngắn VRU 812/B do Viettel sản xuất. Đây chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm điện tử quân sự mà Viettel đang nghiên cứu, chế tạo để phục vụ quân đội.
Những máy thông tin thông minh
Nhóm kỹ sư của Viettel đã ăn ở, sinh hoạt tại đơn vị xe tăng cả tháng trời. Nhiệm vụ của họ là thử nghiệm máy VRU 812/B - máy thông tin quân sự cấp chiến thuật, dùng cho liên lạc trên xe hoặc liên lạc cố định. Máy này có chức năng thu - phát nhảy tần số, được sử dụng trong liên lạc giữa trung đoàn và trung đội bộ binh, xe tăng, xe bọc thép và nhiều loại phương tiện khác như xe kéo pháo, trực thăng, tàu hải quân… Ngoài ra máy cũng có khả năng thiết lập mạng bao gồm nhiều máy khác nhau, có thể thực hiện liên lạc chính xác, nhanh chóng, tin cậy trong điều kiện nhiễu điện trường mạnh đáp ứng yêu cầu của quân sự hiện đại.
Thạc sĩ, kỹ sư Vũ Minh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, chủ nhiệm đề tài, cho biết, đề tài tối ưu thiết kế và chế thử máy vô tuyến điện nhảy tần sóng cực ngắn VRU 812/B được triển khai từ tháng 7-2012. Đến nay, thiết bị đã được thử nghiệm tại một số đơn vị trong quân đội. Cũng theo kỹ sư Vũ Minh Tuấn, liên lạc bằng phương thức biến đổi tần số là cách liên lạc tác chiến hiện đại, có khả năng thực hiện liên lạc khi tần số thay đổi ở tốc độ cao, liên tục và ngẫu nhiên, nhờ vậy đối phương khó có thể kiểm tra, phân tích, xác định và gây nhiễu.
Nhận xét về tính năng của máy, Thượng tá Nguyễn Đức Bổng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) cho rằng, máy có độ chống chịu rung xóc cao nên rất thích hợp với việc sử dụng trên xe tăng. Với chức năng nhảy tần, máy có độ bảo mật cao. Hơn nữa, sử dụng máy sẽ rất thuận tiện bởi nó có chế độ để bắt liên lạc với các máy thông tin quân sự đang được trang bị trong toàn quân.
Hiện thực hóa ước mơ khoa học, công nghệ
Thượng tá Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viettel R&D) cho biết, sau khi đã có đủ tiềm lực về kinh tế, Viettel đã chủ động mở rộng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có rất nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm của Viettel đối với đất nước. Hiện nay, Viettel đang tham gia nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hiện đại cho 3 trong 4 lĩnh vực đã được Bộ Quốc phòng chọn để đi thẳng lên hiện đại là Phòng không - Không quân, Hải quân, Thông tin liên lạc. Cục Tác chiến điện tử thì được Viettel cung cấp miễn phí đường truyền tốc độ cao. Đáng chú ý là Viettel không xin ngân sách nhà nước mà trích 10% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để thực hiện việc nghiên cứu phát triển. Như vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Viettel là hơn 21.000 tỷ đồng thì về nguyên tắc Viettel có thể trích khoảng 2.000 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, phát triển.
Việc Viettel tham gia nghiên cứu, chế tạo các thiết bị quân sự công nghệ cao đã giúp tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách quốc gia. Một bộ ra-đa mua của nước ngoài có giá khoảng 9 triệu USD thì một bộ ra-đa do Viettel sản xuất có tính năng tương tự giá chỉ 2 triệu USD. Các máy thông tin quân sự dành cho lục quân do Viettel sản xuất có tính năng tương đương thế hệ thứ 3, thứ 4 của NATO (thế hệ thứ 5 chưa ra đời). Kể về chuyện nghiên cứu, chế tạo hệ thống quản lý vùng trời, anh Chiến cho biết, trước đó một đối tác nước ngoài đã chào hàng hệ thống này với giá 100 triệu USD. Khi Viettel đặt vấn đề chuyển giao công nghệ thì đối tác không đồng ý. Ba tháng sau, đối tác quay lại thì Viettel đã tiến được những bước rất đáng kể trong việc nghiên cứu hệ thống nói trên. Đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ hệ thống với giá 60 triệu USD. Viettel không chấp nhận. Đến nay, khi nhìn thấy những gì Viettel đã làm được, đối tác chấp nhận giảm giá chuyển giao công nghệ xuống còn 20 triệu USD.
Với giá thành các sản phẩm rẻ, với một số lượng trang bị lớn cho quân đội thì ước tính ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Giá thành rẻ cũng tạo cơ hội để các thiết bị được trang bị rộng rãi hơn trong toàn quân. Trước kia với chi phí cao, mỗi tiểu đoàn thông tin chỉ mong có 1 chiếc máy thông tin quân sự loại hiện đại của thế giới. Tới đây, với những chiếc máy thông tin quân sự hiện đại, nhỏ như điện thoại di động có giá chỉ vài trăm USD/chiếc thì quân đội ta có thể trang bị được đến từng phân đội.
Với việc tự chủ được công nghệ, các sản phẩm thông tin quân sự của Viettel tăng được tính bảo mật - một yêu cầu rất quan trọng trong tác chiến. Thành công bước đầu của Viettel trong nghiên cứu, chế tạo thiết bị công nghệ cao là minh chứng hùng hồn cho thấy nếu có khát vọng, có dũng khí để vượt qua thách thức thì người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trong khoa học và công nghệ.
Theo Hồ Quang Phương – Hoàng Trường Giang
Quân Đội Nhân Dân