Năm qua, những tưởng ngành xi măng thành công khi xuất khẩu hơn 14 triệu tấn. Tuy nhiên, giá xi măng xuất khẩu chỉ bằng hơn nửa giá bán trong nước, chỉ giải quyết tình trạng tồn kho; ngân sách không thu được gì, thậm chí mất tài nguyên, gây ô nhiễm.
Hưởng ưu đãi để xuất giá rẻ
Trả lời PV Tiền Phong, TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đánh giá, năm qua xuất khẩu hơn 14 triệu tấn xi măng là nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy vậy, giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực.
Xi măng trong nước ế ẩm, xuất khẩu giá rẻ. Ảnh: ngọc châu
Trung bình chỉ 37-40 USD/tấn (năm 2012 chỉ 35-36 USD/tấn), trong khi Thái Lan, Singapore… từ 70-80 USD/tấn. Trong khi đó, giá bán xi măng trong nước cao hơn, từ 60-63 USD/tấn. “Giá xuất khẩu thấp do các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tranh bán hạ giá, cố gắng giảm tồn kho, nên bị các DN nước ngoài ép giá”, ông Huynh nói.
Ngoài ra, giá xi măng xuất khẩu thấp nhờ DN không mất thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT), chỉ mất cước vận chuyển. “Xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế, để duy trì hoạt động, tạo việc làm.
Không nên khuyến khích, vì nhà nước không thu được gì; đất nước mất tài nguyên, ô nhiễm, tốn điện, than. Đầu tư xi măng xuất khẩu sẽ rất nguy hiểm”, ông Huynh nói. Cũng theo ông Huynh, năm 2014, phải sắp xếp lại ngành xi măng, tăng vai trò hiệp hội, hạn chế việc tranh bán.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam thừa nhận có chuyện tranh bán, hạ giá giữa các DN. “Nếu nhìn tổng hợp, xuất khẩu xi măng có lãi (chạy máy, tạo việc làm, thu ngoại tệ).
Tuy nhiên, lãi không lớn so với hậu quả đất nước phải gánh chịu”, ông Cung khẳng định. Vì vậy, theo ông Cung, thời gian tới, cần nhà nước can thiệp, đặc biệt là sự vào cuộc của Bộ Công thương, Xây dựng… để ổn định giá xuất khẩu, không để DN thích làm gì thì làm.
Một nguyên lãnh đạo Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, ngoài các nhà sản xuất, một số đơn vị thương mại cũng tham gia xuất khẩu xi măng. Các DN thương mại khi mua xi măng đều được nhà máy chiết khấu, khuyến mại… giá thành lô hàng giảm nên hạ giá xuất khẩu, buộc nhà máy hạ giá theo.
“Cũng có đơn vị mua xi măng chất lượng tốt và kém trộn lẫn để hạ giá bán, rồi đóng bao bì thương hiệu có uy tín để xuất khẩu”, ông nói. Theo vị nguyên lãnh đạo Vicem, tất cả các chi phí khấu hao, lãi vay, thuế… đều được nhà sản xuất hạch toán vào giá xi măng bán trong nước nên giá cao. Trong khi phần xi măng tồn kho xuất khẩu không phải chịu bất kỳ chi phí gì, dẫn tới giá thấp.
Xi măng ế vì quy hoạch sai?
“Xi măng dư thừa là hậu quả của quy hoạch ngành sai từ trước, giờ các bộ đã thấy và đang phải sửa. Để tiêu thụ hết tổng công suất các nhà máy hiện nay (khoảng 70 triệu tấn/năm) phải tới năm 2018, và không phát sinh thêm công suất mới. Cần tạm dừng xây mới, sau năm 2017-2018 nếu thấy cần thiết mới cấp phép cho xây”, vị nguyên lãnh đạo Vicem nói.
Bốc dỡ xi măng tại Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: M.H.
Theo ông này, quy hoạch xi măng đã được nói nhiều năm trước, khi cho phép đầu tư tràn lan, có đá vôi là có nhà máy. Ngoài ra, đầu tư xi măng cần nguồn vốn lớn (suất đầu tư từ 120-140 USD/tấn sản phẩm/công suất thiết kế), hầu hết các DN xi măng phải vay vốn nước ngoài, lãi suất cao.
Vì vậy, các DN xem xuất khẩu như một kênh thu ngoại tệ để trả lãi và vốn vay, hạn chế thiệt hại do chuyển đổi tỷ giá, dù giá thấp vẫn cố xuất khẩu.
Đồng tình quan điểm trên, TS. Trần Văn Huynh cho hay, các DN xi măng Việt Nam vốn tự có ít, nhiều nhất chỉ 15%, phổ biến 7-8% tổng vốn đầu tư; phần còn lại phải vay, giờ cố bán để trả. “Quy hoạch ngành xi măng có, nhưng thực tế lại khác. Nhà máy quy hoạch sau lại cho làm trước, dự kiến dây chuyền nhỏ nay lại cho làm to.
Giờ cần chỉnh cho phù hợp, nếu không xi măng còn thừa nữa”, ông Huynh cảnh báo. Ông Huynh dẫn chứng, công suất năm qua khoảng 70 triệu tấn/năm, năm nay có thể trên 80 triệu tấn/năm. Trong khi những năm gần đây, tiêu thụ trong nước chỉ 45-48 triệu tấn/năm.
Ông Huynh lo ngại, hiện đang có xu hướng nhà đầu tư nước ngoài (FDI) mua lại nhà máy sản xuất xi măng tốt của Việt Nam (như Chinfon Hải Phòng, Thăng Long tại Quảng Ninh…). Các nhà đầu tư FDI đồng thời bao tiêu sản phẩm để xuất về nước họ, vừa được miễn thuế xuất khẩu, VAT: đất nước họ không mất tài nguyên, không ô nhiễm, có sản phẩm tốt, giá rẻ; còn thiệt hại chỉ Việt Nam chịu.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2014, thị trường xây dựng Việt Nam chưa hồi phục nhiều, xi măng dôi dư vẫn khuyến khích xuất khẩu (dự kiến xuất hơn 14 triệu tấn).
Về việc xi măng phát triển quá nóng, quy hoạch sai, ông Tới nói: “Quy hoạch ngành dựa trên các số liệu dự báo phát triển kinh tế của các bộ ngành, viện nghiên cứu nên không thể nói là đúng hoặc sai”. Dù vậy, theo ông Tới, năm 2014, ngoài sắp xếp lại xuất khẩu, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát đưa khỏi quy hoạch, dừng, dãn tiến độ những dự án chưa cần thiết.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2013, tồn kho xi măng hơn 2,5 triệu tấn với trên 100 nhà máy xi măng có tổng công suất hơn 70 triệu tấn/năm. Cùng năm, 9 dự án bị loại khỏi quy hoạch, giãn tiến độ 7 dự án và có 4 nhà máy mới đi vào hoạt động với tổng công suất gần 5 triệu tấn/năm. Năm 2014, dự kiến thêm 5 nhà máy mới hoạt động với tổng công suất hơn 7 triệu tấn/năm.