Nghịch lý ngành xi măng: Đầu tư sai phải tự chịu

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 14/2, TS Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, việc phát triển ngành xi măng cần xem xét lại, đặc biệt với doanh nghiệp nhà nước, phải xét trên hiệu quả kinh tế.
Ảnh minh họa

Ngoài ra, các chi phí về giá điện, thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế xuất khẩu… phải tính đúng, tính đủ, không thể ưu đãi mãi như thời gian qua.

“Khi đó, doanh nghiệp đầu tư phải tính toán hiệu quả, nếu đầu tư xuất khẩu không thể nào cạnh tranh được thì người ta không làm”, ông Lịch nói. Ngoài ra, việc sử dụng, khai thác đá vôi cũng cần xem lại để tránh bán rẻ tài nguyên.

Theo TS Trần Du Lịch, hiện nước ta mới khởi đầu quá trình công nghiệp hóa, nhu cầu xi măng trong tương lai còn rất lớn. Nếu lãng phí, khai thác cạn kiệt sau này sẽ không còn cho nhu cầu trong nước. Như than là một ví dụ điển hình, sau nhiều năm xuất khẩu nay ta đã phải nhập. Nên nếu tự sản xuất mà giá thành đắt hơn nhậu khẩu thì nên ưu tiên nhập về dùng, giữ tài nguyên cho con cháu.

Về chính sách ưu đãi xi măng xuất khẩu, TS Trần Du Lịch cho rằng, không nhất thiết khuyến khích xuất khẩu bằng cách miễn thuế… Đấy là cách ta đang ưu đãi để lấy cho hết đá vôi bán rẻ. Nhiều doanh nghiệp lỡ đầu tư xi măng, sản xuất nhiều không tiêu thụ được, giờ muốn tồn tại nên đề nghị nhà nước giảm đủ thứ.

“Phải làm mạnh, kiên quyết không hỗ trợ những doanh nghiệp đã đầu tư sai, anh làm sai phải tự chịu trách nhiệm. Sai rồi lại xin Nhà nước ưu đãi khác gì cho không tài nguyên, rốt cuộc Nhà nước, nhân dân chẳng được gì”, ông nói.

Cũng theo ông Lịch, xi măng doanh nghiệp tư nhân có thể tự làm được nên để họ làm, Chính phủ không nên bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay vốn để đầu tư vào lĩnh vực này.