“Tôi biết điều này nghe khắc nghiệt, nhưng loại người này nên bị đưa ra chỗ đông người và treo cổ”, nghị sĩ Jaya Bachchan nói trước quốc hội.
Nhiều nghị sĩ khác trên khắp Ấn Độ cũng lên tiếng chỉ trích vụ cưỡng hiếp tập thể và giết người dã man này.
Những cuộc biểu tình nổ ra khắp cả nước khi thi thể của nạn nhân được tìm thấy. Cô mất tích từ tuần trước.
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 4 đối tượng đã cưỡng hiếp và sát hại cô gái.
Tình trạng cưỡng hiếp và bạo lực nhằm vào phụ nữ vẫn xảy ra nhan nhản ở Ấn Độ, bất chấp cơn thịnh nộ của dư luận trước những vụ việc nghiêm trọng.
Hôm nay, cơn giận trên đường phố được phản ánh trong quốc hội khi nhiều nghị sĩ yêu cầu chính phủ phải cho biết sẽ làm gì để giúp đất nước trở nên an toàn hơn với phụ nữ.
Bà Bachchan, một cựu diễn viên Bollywood và là người thường xuyên lên tiếng về các vấn đề của phụ nữ, dẫn đầu nhóm nghị sĩ đòi công lý cho nạn nhân. “Tôi nghĩ lần này...người dân muốn chính phủ đưa ra câu trả lời chính xác và chắc chắn”, bà nói.
Nghị sĩ Vijila Sathyananth, đại diện của bang Tamil Nadu, nói rằng đất nước này không an toàn với phụ nữ và trẻ em và yêu cầu “4 tên đàn ông phạm tội lần này phải bị treo cổ trước ngày 31/12. Công lý bị trì hoãn nghĩa là công lý bị chối bỏ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nói rằng hành động của nhóm thủ phạm lần này “khiến cả nước xấu hổ, gây tổn thương cho tất cả mọi người” và rằng ông không có đủ từ ngữ để “lên án tội ác tàn bạo này”.
Ông nói rằng luật nghiêm khắc hơn được ban hành sau vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại một cô gái trẻ ở Delhi gây chấn động thế giới năm 2012 tạo hy vọng rằng những tội ác chống lại phụ nữ sẽ giảm bớt. Nhưng điều đó không diễn ra như kỳ vọng, ông Singh nói.
Cơn thịnh nộ của người dân
Cô gái ra khỏi nhà bằng xe đạp vào khoảng 6h tối hôm 27/11 để đến dự buổi bổ nhiệm bác sĩ.
Sau đó, cô gọi điện cho chị gái thông báo rằng xe cô bị thủng xăm và được một tái xế xe tải cho đi nhờ. Cô nói cô đang đứng chờ gần một trạm thu phí.
Sau đó người nhà không thể liên lạc với cô được nữa. Thi thể cô được một người giao sữa tìm thấy dưới chân cầu vượt vào sáng hôm sau.
Theo luật Ấn Độ, nạn nhân bị cưỡng hiếp không được công bố danh tính dù đã chết. Nhưng cuối tuần qua, tên cô gái trở thành trend (xu hướng) nổi bật nhất trên Twitter ở Ấn Độ khi hàng chục ngàn người đăng những dòng tweet yêu cầu thực thi công lý.
Gia đình nạn nhân từ chối gặp cảnh sát và các chính trị gia, yêu cầu họ phải có hành động.
Ở khu nhà của nạn nhân, người dân chặn đường chính và căng biểu ngữ: “Không báo chí, Không cảnh sát, Không người ngoài – Không đồng cảm, chỉ cần hành động, công lý”.
3 cảnh sát đã bị đình chỉ công việc sau khi bị gia đình cô gái cáo buộc không vào cuộc sớm sau khi được báo tin nạn nhân mất tích. Những cảnh sát khác còn nói cô gái có thể đã bỏ trốn gia đình.
Theo số liệu mới nhất của chính phủ, gần 34.0090 phụ nữ bị cưỡng hiếp ở Ấn Độ trong năm 2017, nghĩa là trung bình mỗi ngày có 92 người bị cưỡng hiếp ở quốc gia này.