Nghề may…"nóng"

Chỉ cần 3 - 4 giờ đồng hồ sau khi chọn mẫu, đặt hàng là bạn có thể "xúng xính" trong bộ vest mới, quần tây, áo sơmi, áo đầm... với kiểu dáng và đường kim mũi chỉ không chê vào đâu được.
Khách hàng đang lựa vải tại shop Á Đông, Hội An.

Không tin ư! Hãy thử một lần đến Hội An để tận mắt "mục sở thị" dịch vụ may "nóng" này. Một sản phẩm du lịch độc đáo mà mỗi năm mang về cho Hội An hơn 2 triệu USD và cả nước cũng chỉ có ở Hội An...

Từ nền tảng nghề xưa

Theo các cụ cao tuổi sống tại địa phương, từ những thập niên đầu thế kỷ XX, Hội An đã xuất hiện các tiệm may Âu phục lẫn trong nhiều tiệm may đồ Việt tại nhà, chợ.

Nghệ danh thời bấy giờ nhiều lắm, có thể kể đến như: Đỗ Mậu, Lê Ái, Trần Ngoạn, Nguyễn Diệm, Trần Tiết,... với các tên hiệu nổi tiếng: Công Thành, Vĩnh Lợi, Lữ Phát, Văn Minh, Tiến Hưng, Hiệp Hưng, Hiệp Thái, Tân Tân... Hiệp thợ đã từng lập nghiệp đoàn nghề may.

Cụ Nguyễn Sung (88 tuổi, phường Minh An) - là chủ tiệm may Tiến Hưng - kể lại, vào những năm 1945, cả Hội An có khoảng 60 - 70 người làm nghề, với chừng 20 tiệm, cửa hiệu. Mỗi tiệm chỉ có vài ba bàn máy với năm bảy lao động làm theo kiểu "làm ngày ăn bữa". Từ tháng 9 âm lịch trở đi, các tiệm lớn mới bắt đầu dồn sức làm cả ngày lẫn đêm cho đến Tết.

Hiệp thợ Hội An may đồ ta (thường là áo dài) theo hai cách: Cài nút giữa, cổ bâu, kiền dùng cho người bình dân và cài vạt bên cho người đứng tuổi. Đàn ông quần lưng vận, may rộng, cơi cao để cột túm lại; quần phụ nữ lưng rút hai dây so le.

Vải vóc gồm lãnh, lụa, the, gấm, đũi... và màu sắc trang phục chủ yếu được chọn là màu xanh, lam, chàm nâu. Lụa được các chủ hiệu chọn mua từ những làng dệt nổi tiếng: Mã Châu, Bảo An, Xuân Đài...

Cũng theo cụ Sung, học được nghề may trong những thập niên đầu thế kỷ XX thật khó khăn, vất vả. Người học thành nghề ít nhất cũng mất 3 - 4 năm, học theo từng công đoạn từ chọn vải, đo, cắt, ráp, tết khuy...

Thời đấy, học nghề may phải tập ngồi xổm, ép ngực, lưng tựa, 2 ngón chân cái chụm lại tạo tư thế dễ thao tác. Khi may áo dài còn phải "khâu tay dọc, ngồi bẻ quê, trong nhãn hồ, ngoài phô trứng rận"...

Đây là cách ngồi hai chân gập đổ về một phía, tạo mặt phẳng để trải vải khâu, lưng thẳng đứng mà người làm nghề phải tập thành thạo. Học khâu dọc, tết khuy xong mới chuyển sang học đo, học cắt... Làm nghề may suốt ngày cặm cụi, lam lũ, nhưng những người thợ Hội An lúc nào cũng giữ cho mình cách ăn mặc tươm tất, sạch đẹp.

Nghề may "nóng" hôm nay

Chỉ riêng tại phường Minh An - khu vực I của đô thị cổ, trong diện tích 0,5 kilômét vuông có đến 57 hộ kinh doanh may mặc bằng hình thức mở shop vải, tập hợp hiệp thợ đo, cắt may tại chỗ, mỗi người một bộ phận theo dây chuyền, với hơn 165 lao động.

Nhiều hiệu may, shop vải hoạt động với quy mô lớn xuất hiện như shop Thu Thuỷ, Yaly, Phương Huy, Thắng Lợi, Nguyên, AÁ Đông Silk, Bảo Khánh, Gia Hưng..., mỗi năm bán tại chỗ và xuất khẩu ra nước ngoài hàng chục nghìn sản phẩm, doanh thu hàng tỉ đồng. Một số hiệu may đã vinh dự may trang phục cho Hoàng hậu Tây Ban Nha và các vị nghị sĩ của nhiều quốc gia đến từ các nơi trên thế giới.

Bà Thu Thuỷ - chủ shop Thu Thuỷ, đường Lê Lợi, phường Minh An - cho biết: "Hiệu vải của tôi bình quân mỗi năm tiếp đón và phục vụ hơn 2.000 lượt khách. Mỗi người đến đây ít nhất cũng may cho mình một bộ quần áo, nhiều thì 2 - 3 bộ đồ vest". Theo khảo sát, mỗi bộ vest có giá khoảng 250 - 350USD, bộ áo đầm từ 50 - 70USD, quần tây, sơmi từ 10 - 25USD.

Từ lúc khách đến đặt hàng và cho số đo đến khi hoàn thành một bộ vest hay một chiếc áo đầm chỉ trong vòng 3 - 4 tiếng đồng hồ. Du khách có thể để lại địa chỉ khách sạn, nhà nghỉ..., cửa hiệu sẽ giao hàng tận nơi. Về nước, du khách có thể đặt hàng qua email, chỉ cần cung cấp thông tin về số đo, loại vải, loại áo quần cần may là hàng hoá được gửi sang bằng con đường xuất khẩu trực tiếp hoặc thông qua uỷ thác.

Ông Trần Thái Do - Giám đốc Cty Á Đông Silk - cho biết: "Thợ ở Hội An tỉ mẩn, khéo léo lắm! Chỉ cần 5 phút, một người thợ đã cắt xong một áo hoặc quần, 45 phút là may xong hoàn chỉnh. Đừng tưởng thời gian may nhanh là chất lượng không ra gì. Khách chủ yếu là người nước ngoài nên họ kỹ lưỡng trong từng đường kim mũi chỉ.

Sau chuyến du lịch về nước, họ lại tiếp tục đặt hàng. Chúng tôi lưu lại tất cả các số đo của khách, khi cần may gì họ liên lạc và nói rõ yêu cầu. Thậm chí, những loại vải với nhiều màu sắc, chúng tôi phải scan và gởi qua để khách chọn lựa. Lượng khách giao dịch qua mạng rất lớn".

Theo nhiều chủ hiệu ở Hội An, tổng cộng giá may và chi phí gửi hàng đi các nước chỉ bằng phân nửa hoặc 2/3 giá cả ở chính quốc, nên trang phục "Made in Hội An" là lựa chọn số một của nhiều khách du lịch đã từng đặt chân đến phố cổ.

Nghề may ăn nên làm ra nên thu nhập người thợ cũng tăng dần lên, thợ chính mỗi tháng cũng kiếm được từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng, còn thợ phụ khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Qua khảo sát của Phòng Kinh tế thị xã, dịch vụ may đo ở Hội An - đặc biệt là mô hình may "nóng" độc đáo - phát triển mạnh, không chỉ giải quyết việc làm cho các lao động trực tiếp với thu nhập ổn định mà còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng trăm lao động từ các dịch vụ khác như: Giao hàng, chuyên chở, dịch vụ tin học, kế toán, kinh doanh cho đến lực lượng cung cấp phương tiện, thiết bị, vật liệu như vải vóc, bàn máy, kim chỉ, bao bì...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, kinh doanh đã được người dân phố Hội áp dụng một cách có hiệu quả mà không cần phải "đao to búa lớn".