Nghề cắm hoa lan ngày Tết

TPO - Dù công việc chỉ tất bật trong khoảng một tháng gần Tết, nhưng nghề cắm hoa lan đã đem lại thu nhập cao cho những người thợ. Có người "bỏ túi" cả trăm triệu đồng từ nghề cắm hoa lan. 

Video Nghề cắm hoa lan đã đem lại thu nhập cao cho những người thợ ngoại tỉnh.

Thời điểm này, nhiều cơ sở kinh doanh lan hồ điệp ở Nghệ An đã nhộn nhịp lên chậu để phục vụ thị trường hoa Tết. Hiện, nhiều người đã mua lan về chưng Tết, làm quà tặng nên phần lớn các cơ sở đều phải hoạt động cả ngày lẫn đêm để phục vụ khách hàng.

Chị Phạm Thị Thủy (chủ cơ sở kinh doanh hoa lan trên đường Lê Nin, thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết năm nay chị nhập gần 20.000 cành lan hồ điệp Đà Lạt với giá từ 200.000 đồng đến 2,5 triệu đồng mỗi cành tùy loại. Để lên chậu, chị phải thuê 3 tốp thợ (15 người) từ các vùng miền. Thợ kết lan trên chất liệu bình gốm, sứ chị thuê từ TP Hồ Chí Minh ra, còn kết bình lan tròn sẽ thuê từ miền Bắc, riêng kết lan trên gỗ lũa thì thuê người dân tộc Tày ở Thanh Hóa.

"Thợ cắm lan mỗi vùng có phong cách riêng, tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân. Thợ cắm lan được trả công theo sản phẩm, 15.000-20.000 đồng/cành khi cắm chậu và 40.000-65.000 đồng/cành khi cắm trên gỗ lũa”, chị Thủy cho hay.

Dù còn trẻ tuổi nhưng anh Phan Quốc Tiến (27 tuổi, trú TP Hồ Chí Minh) đã có 7 năm “chạy sô” cắm lan tết. Năm nay, có khá nhiều cơ sở kinh doanh lan hồ điệp ở Nghệ An và Thanh Hóa liên hệ, song nhóm thợ 5 người của anh chỉ nhận lời người quen ở thành phố Vinh. “Ở miền Nam thường chơi lan muộn hơn nên chúng tôi tranh thủ ra đây làm đến khoảng 20 tháng Chạp thì về TP Hồ Chí Minh làm”, anh Tiến nói.

Trung bình mỗi ngày, anh Tiến cắm được 300-400 cành lan, kiếm được 5-7 triệu đồng. Ngày cao điểm, làm việc cật lực, anh có thể kiếm được 10 triệu đồng. “Công việc khá vất vả khi phải làm việc liên tục, có ngày chúng tôi chỉ ngủ vài tiếng rồi lại tranh thủ làm việc. Vụ lan Tết thường chỉ kéo dài khoảng 20 ngày, nếu chăm chỉ, tranh thủ làm ngày làm đêm, có thể kiếm được 100 triệu đồng”, anh Tiến cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hiên (37 tuổi, trú tỉnh Nam Định) chia sẻ cắm hoa lan không đơn giản là lần lượt xếp từng bầu lan lên bình mà người thợ phải phác thảo trong đầu bố cục, hình khối bình hoa, để đảm bảo tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao, khoe được vẻ đẹp từng bông hoa lan.

“Mỗi năm chỉ trông chờ vào mùa Tết này nên chúng tôi tranh thủ cày cả ngày cả đêm cho kịp rồi di chuyển nơi khác. Xong ở đây, chúng tôi sẽ ra Hà Nội làm tiếp đến khoảng 25 tháng Chạp là nghỉ. Dù tiền công được tính theo sản phẩm, song không vì thế mà làm ẩu, chạy số lượng”, chị Hiên nói.

Anh Lê Văn Duy (40 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết tiền công kết lan trên gỗ lũa cao gấp 3 lần so với kết trên chậu, song mất thời gian hơn. “Nếu kết lan trên bình gốm sứ đòi hỏi sự mềm mại, uyển chuyển thì kết lan trên gỗ lũa lại đòi hỏi dáng lan phải mang khí chất núi rừng, vừa phải phù hợp với thế của từng khúc gỗ lũa. Để có tác phẩm đẹp, ngoài tay nghề, người thợ phải có sự sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng vẫn phải hài hòa với sở thích, thị hiếu của khách hàng”, anh Duy chia sẻ.

Các thợ cắm hoa lan lành nghề cho biết để làm một tác phẩm lan hồ điệp đẹp phải dựa trên nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là hoa phải tươi, đẹp, các cánh đồng đều về kích thước, màu sắc.

Để có tác phẩm đẹp, ngoài tay nghề, người thợ phải có sự sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Theo quan niệm dân gian, lan hồ điệp tượng trưng cho sự phú quý, may mắn và thịnh vượng. Lan hồ điệp được nhiều người yêu thích và lựa chọn để trang trí, làm quà tặng trong các dịp đặc biệt như lễ, Tết… Chính sự đắt đỏ, giá trị của loại hoa này mà thu nhập của những người thợ cũng cao hơn so với các nghề khác.