Anh Sơn (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) gọi vui nghề kiếm cơm của mình là cái nghề “giải thoát cho người”. Anh kể, chưa biết ổ khóa hỏng hóc hay khó dũa tới đâu nhưng cứ vừa chạm xe tới cửa, nhìn thấy mặt chủ nhà ngơ ngác pha lẫn bực tức vì không hiểu khóa xe biến mất từ bao giờ, anh lại thấy nghề này thú vị.
Với những khóa xe máy thông thường, anh Sơn chỉ cần 15 phút căn ke, gọt dũa là đã có thể tra một khóa khác cùng loại vào ổ. 250.000 đồng thu về sau 15 phút gỡ rối để giải thoát cho các chủ xế, anh vừa thu tiền, vừa được khách hàng cảm ơn rối rít.
Anh Sơn chỉ cần 15 phút căn ke, dũa gọt là sửa xong một khóa, thu ít nhất 250.000 đồng. Ảnh: Diệp Sa
Anh Sơn tâm sự, anh học nghề từ năm 13 - 14 tuổi, giờ hành nghề ngót nghét cũng gần 30 năm. Thợ sửa khóa lấy công làm lãi còn tiền vốn bỏ ra không đáng bao nhiêu. Chỉ cần hộp đựng khóa mẫu các loại, dũa khóa, bút thước,… Ai nhiều tiền thì đầu tư thêm cái máy cắt nhỏ gọn để xử lý các xe không có khóa mẫu. "Ở cái nghề này mức thu nhập được tính theo năm kinh nghiệm là chính. Như tôi gần 30 năm trong nghề thì đương nhiên thu nhập phải cao hơn nhiều lần các thợ khóa trẻ. Khóa ô tô, khóa từ xe máy còn chẳng làm khó được tôi thì mấy loại khóa thông thường quá đơn giản”, anh nói.
Anh kể, có lần được một đôi vợ chồng người Anh gọi tới đầu đường Giáng Hương trong khu “phố hoa” ở Vincom Long Biên, chị vợ đang mang bầu có dấu hiệu chuyển dạ, anh chồng thì cuống quýt không hiểu vì sao khóa vẫn đang dùng bình thường mà lại bị hóc. Đã thế, chiếc ô tô Honda của anh chị này lại phải dùng 2 khóa khác nhau. Sau gần một tiếng đồng hồ xử lý, anh Sơn dũa cho anh chị một chiếc chìa khóa mở được cả hai ổ. Anh chồng quên cả vợ đang đau đẻ, cười nắc nẻ và ra hiệu ngón tay bái phục anh thợ khóa Việt Nam. Thương tình chị vợ đang vào cơn đau, anh Sơn lấy vội 1 triệu đồng, thế mà được anh chồng trả gấp đôi tiền vì giải cứu đúng lúc.
Đồ nghề của một locksmith (thợ sửa khóa) khá đơn giản, vốn ít. Ảnh: Diệp Sa
Với chiếc card visit tự chế bằng bút màu ghi trên giấy bìa hộp bánh quy rồi ép dẻo, đến mỗi nhà khách hàng, anh Sơn đều để lại để lần sau có vấn đề gì về khóa cần sửa chữa hoặc giới thiệu thì khách gọi trực tiếp cho anh. Chỉ hành nghề tại Long Biên và Gia Lâm nên hễ có khách gọi là 10 - 15 phút sau anh đã có mặt. Giá sửa khóa tùy vào loại xe, nếu là xe số thông thường thì chỉ 250.000 đồng/khóa, xe ga khóa từ 300.000 đồng, ô tô từ 800.000 đến 1 triệu đồng/khóa. Trung bình một ngày anh Sơn sửa được 5 đến 6 khóa xe máy, ô tô các loại, một tháng thu nhập cao nhất của anh lên tới 30 - 35 triệu đồng.
Không kiếm được như "đại gia" sửa khóa trên, anh Thắng, thợ sửa khóa ở vườn hoa Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Cả tháng tôi ngồi đây kiếm được dăm, bảy triệu là may rồi. Anh Sơn có phương tiện đi lại, 'bao sân' cả Gia Lâm lẫn Long Biên. Những ca khó của khách ở các quận khác thi thoảng gọi anh ấy tới còn được trả thêm tiền đi lại. Nghề này nếu có thâm niên thì cũng ra vấn đề đấy".
Thu nhập của thợ sửa khóa phụ thuộc vào thâm niên trong nghề. Ảnh: Diệp Sa
Thu nhập khá mà đồ nghề đầu tư không quá nhiều, nghề “locksmith” (thợ sửa khóa) đang được nhiều người ở Hà Nội và nhiều thành phố khác lựa chọn làm nghề kiếm cơm. Thậm chí, trên nhiều tuyến phố sầm uất giữa thủ đô như Hàng Gai, Hàng Đào, đường Bưởi, vườn hoa Gia Lâm, các thợ sửa khóa ngồi san sát nhau đem tới cho khách hàng nhiều lựa chọn để được giải thoát nhanh chóng khi bỗng chốc tắc khóa xe.
Theo Diệp Sa