TP Hồ Chí Minh:

Ngày 1/ 2, nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND quận Gò Vấp ra vành móng ngựa

TP – TAND TPHCM cho biết, ngày 1/2/2007, cơ quan này sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tiêu cực đất đai tại Cty Xây dựng Gò Vấp (nay là Cty Địa ốc Gò Môn  - thuộc Tổng Cty địa ốc Sài Gòn).
Ông Nguyễn Văn Tính

Đây là một trong 9 vụ tham nhũng lớn, điển hình tại TPHCM mà Ban nội chính Thành ủy TPHCM chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cương quyết làm rõ vì liên quan đến “bộ sậu” lãnh đạo quận Gò Vấp, trong đó có Bí thư, Chủ tịch UBND quận này. 

Bảy bị cáo bị truy tố ra trước tòa, gồm: Nguyễn Văn Tính - nguyên Bí thư Quận ủy Gò Vấp; Trần Kim Long - nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp; Dương Công Hiệp - nguyên Phó phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp, Lê Minh Châu, Hồ Tùng Lâm- nguyên Giám đốc (GĐ) và Phó GĐ Cty Địa ốc Gò Môn; Phạm Thị Tuyết Lan (cò đất), Nguyễn Minh Hoàng (buôn bán) với 4 tội danh “Tham ô”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cáo trạng xác định, năm 2000, Phạm Thị Tuyết Lan (trú quận Phú Nhuận, TPHCM) đã cấu kết với Dương Công Hiệp, Lê Minh Châu, Hồ Tùng Lâm, Trần Kim Long dùng thủ đoạn ký hợp đồng sang nhượng đất trái pháp luật của một số hộ dân ở phường 12 quận Gò Vấp để rút số tiền hơn 16,6 tỉ đồng của Cty Địa ốc Gò Môn.

Theo tỷ lệ, bà Lan được hưởng 11 tỉ đồng, ông Hiệp hưởng 3,1 tỉ đồng, ông Châu được 1,63 tỉ đồng, ông Long được 540 triệu đồng và  ông  Lâm được 200 triệu đồng.

Khi hành vi phạm pháp nói trên bị cơ quan tố tụng phát hiện thì Trần Kim Long khi ấy, đương nhiệm chức Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đã   chủ động liên lạc với Nguyễn Minh Hoàng (chuyên môi giới cò đất) để nhờ “chạy án” với số tiền 30.000 USD và 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tính – lúc ấy đang đương nhiệm chức Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp. Sau khi nhận đơn tố cáo của người dân về vụ tiêu cực ở Cty Gò Môn,  ông Tính đã  có bút phê chuyển vụ việc sang Ủy ban kiểm tra Đảng của Quận ủy xác minh báo cáo và sau đó chuyển sang  Viện Kiểm sát quận xác minh. Kết quả: Đơn thư tố cáo của người dân là đúng sự thật.

Thay vì tiếp tục chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng xử lý vụ việc theo qui định pháp luật thì ông  Tính đã  sử dụng báo cáo để… làm tiền,  bằng cách ép Lan phải chi 800 triệu đồng để ông Bí thư bỏ qua vụ việc. 

Mặt khác, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2001, bà Châu còn đưa thêm cho ông Tính 5.000 USD. Phạm Tuyết Lan cũng đưa tại nhà riêng ông Tính 10.000 USD nhưng ông Tính từ chối.

Nghĩ ông Bí thư chê ít nên bà Lan đã đưa cho ông Hiệp 1 tỉ đồng, để đối tượng này chuyển lại cho ông Tính. Cũng trong dịp Tết nói trên, ông Lê Minh Châu khai đã đưa cho ông Trần Kim Long 3.000 USD, nhưng ông Long chỉ thừa nhận là có nhận của Châu 500 USD. Ông Long lấy danh nghĩa Chủ  tịch UBND quận, ép Cty Gò Môn phải trả tiền phí ĐTDĐ cho mình với tổng cộng số tiền 131.195.056 đồng.  

Trần Kim Long từng ra Hà Nội để chạy án!

Sáng ngày 29/1, ông Trần Hoàng Thám, Trưởng Ban Nội chính thành ủy đã chủ trì cuộc họp với báo chí về việc chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Ông Trần Hoàng Thám nhấn mạnh, đây là vụ án điểm, có tính chất phức tạp và có liên quan đến hối lộ, lũng đoạn bộ máy Nhà nước.

Chính vì vậy, Thành ủy và Ban chỉ đạo chống tham nhũng yêu cầu các cơ quan tố tụng phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Phiên tòa được xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.

Đánh giá sơ bộ về tiến trình vụ án, ông Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, quy mô tham nhũng trong vụ án này không lớn nhưng vị thế của những người liên quan thì rất lớn.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên thành phố xử lý những cán bộ đứng đầu cấp quận liên quan đến tiêu cực về đất đai. Báo chí đặt câu hỏi xung quanh nguồn tin có một bị cáo ra tận Hà Nội để chạy án,  Ông Minh khẳng định: “Kết quả điều tra cho thấy Trần Kim Long đã ra Hà Nội để chạy chọt nhưng không có  kết quả”.

Để chuẩn bị cho phiên xét xử, ông Bùi Hoàng Danh - Chánh án TAND TPHCM cho biết, HĐXX đã triệu tập 38 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 25 nhân chứng.

Phiên tòa sẽ do thẩm phán Trần Xuân Minh làm Chủ tọa. Về nhóm luật sư (LS) tham gia bào chữa cho các bị cáo có: LS Trần Văn Tạo bào chữa cho Lê Thị Tuyết Lan; LS Phan Trung Hoài (bị cáo Dương Công Hiệp); LS Bùi Quang Nghiêm (bị cáo Lê Minh Châu);

LS Thiệu Anh Dương (bị cáo Hồ Tùng Lâm); LS Lê Hồng Nguyên (bị cáo Nguyễn Văn Tính). Riêng Trần Kim Long có đến hai LS đảm trách việc  bào chữa là LS Nguyễn Đăng Trừng và LS Nguyễn Minh Tâm…

Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp tiền để khắc phục hậu quả. Cụ thể, Dương Công Hiệp  nộp 2,88 tỉ đồng; Lê Minh Châu (1,62 tỉ đồng); Hồ Tùng Lâm (200 triệu đồng); Nguyễn Văn Tính (800 triệu đồng) và Nguyễn Minh Hoàng (500 triệu đồng).