Đó là một trong những thông tin trong đề xuất về phương án mở cửa trường học trở lại tại các địa phương được xác định an toàn phòng chống dịch COVID-19 mà Sở GD&ĐT TPHCM trình Thường trực UBND TP ngày 9/9. Động thái này diễn ra sau chỉ đạo của Thường trực UBND TP về xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất, đối với bậc học mầm non thời gian đầu không tổ chức ăn sáng và bố trí thời gian đưa, đón trẻ lệch giờ.
Đối với bậc giáo dục phổ thông và thường xuyên, tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng: ưu tiên cho các lớp nhỏ 1, 2, đầu cấp và cuối cấp.
Sở giao cho từng trường xây dựng phương án đi học lại căn cứ vào điều kiện thực tế; thời gian đầu sẽ chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi, ưu tiên lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp 5, 6, 10. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh theo phương án "3 tại chỗ" để dạy học trực tiếp.
Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT TP, việc mở cửa trường học trở lại sẽ phải tuân theo một số yêu cầu như các địa phương phải được xác định là an toàn trong phòng chống dịch COVID-19; cơ sở giáo dục phải được đánh giá an toàn theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học; đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần; chỉ tổ chức cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện.
Song song với việc mở cửa dạy học trực tiếp, Sở vẫn yêu cầu các trường vẫn tiếp tục tổ chức dạy học trên Internet, qua truyền hình... để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như hỗ trợ cho việc học trực tiếp.
Được biết, để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ngày từ đầu năm học, Sở GD&ĐT TPHCM đã lên phương án dạy và học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ I năm học 2021- 2022. Hiện TPHCM có hơn 6.600 học sinh và khoảng 2.000 giáo viên mắc COVID-19, hàng trăm trường học đang được trưng dụng là khu cách ly, bệnh viện dã chiến hoặc điểm tiêm phòng vắc xin…