> Tin tặc Trung Quốc kiểm soát được NASA
“Dự toán ngân sách quốc phòng năm 2012 cao hơn 67,6 tỷ nhân dân tệ (10,7 tỷ USD) so với năm 2011… Trung Quốc xác định mức chi tiêu cho quốc phòng tùy theo yêu cầu của quốc phòng và mức độ phát triển kinh tế”, ông Lý Triệu Tinh, người phát ngôn của kỳ họp thứ 5 Khóa XI Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội), phát biểu tại họp báo hôm 4-3.
Theo ông Tinh, từ năm 2008, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trung bình 14,5%/năm, còn chi tiêu quốc phòng tăng 13%/năm.
Hai thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh năm nào cũng tăng, biến Trung Quốc thành nước chi cho quốc phòng mạnh tay thứ hai thế giới - sau Mỹ.
Trung Quốc đang phát triển tàu sân bay, máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa có thể bắn hạ vệ tinh.
Mỹ cam kết tăng cường sự hiện diện của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương. Theo nhiều nhà phân tích, động thái này nhằm cân bằng thế thượng phong của Trung Quốc trong khu vực.
Hằng năm, Mỹ chi khoảng 740 tỷ USD cho quốc phòng và hiện có nhiều căn cứ quân sự với hàng nghìn quân ở khắp khu vực.
Theo nhiều báo cáo của phương Tây, các quan chức Trung Quốc vẫn lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực và họ tin rằng Washington muốn bao vây Trung Quốc.
“Phát triển hòa bình”
Hôm qua, sau khi tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng ngân sách quốc phòng, ông Lý Triệu Tinh giải thích: “Trung Quốc cam kết đi theo con đường phát triển hòa bình và chính sách quốc phòng phòng vệ.
Trung Quốc có 1,3 tỷ người, một lãnh thổ lớn với bờ biển dài, nhưng chi tiêu quốc phòng của chúng tôi tương đối thấp so với những nước lớn khác”.
Tính theo tỷ lệ so với GDP, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ hoặc Anh.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ngân sách quốc phòng năm nay của Mỹ là 739,3 tỷ USD, Anh 63,7 tỷ USD, Nga 52,7 tỷ USD, Ấn Độ 31,9 tỷ USD. Theo Bắc Kinh, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm ngoái là 602,6 tỷ nhân dân tệ, chiếm 1,28% GDP của nước này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài ước tính rằng, chi tiêu thực tế cho quốc phòng Trung Quốc hằng năm có thể gấp đôi con số công bố.
Năm 2011, Trung Quốc tiến hành đợt bay thử đầu tiên của một chiến đấu cơ sử dụng công nghệ tàng hình và đợt đi biển đầu tiên của một hàng không mẫu hạm.
Phải mất nhiều năm hai loại khí tài hiện đại này mới chính thức hoạt động. Trung Quốc cũng đang phát triển tàu chiến, tàu ngầm mới, cùng nhiều loại tên lửa đạn đạo chống tàu.
Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc hiện có hơn 2 triệu người, lớn nhất thế giới.
Tàu lặn Giao Long sẽ xuống độ sâu 7.000m
Tàu lặn Giao Long có người lái của Trung Quốc sẽ thử lặn ở độ sâu 7.000m ở Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay, ông Liu Cigui, Giám đốc Cục Đại dương Nhà nước (Trung Quốc), thông báo ngày 4-3.
Tàu Giao Long đã lặn tới độ sâu 5.188m ở Thái Bình Dương hồi tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, cho phép Trung Quốc khảo sát khoa học ở 70% diện tích đáy biển của thế giới.
Tàu lặn thử lần đầu tiên ở Biển Đông vào giữa năm 2010, đạt độ sâu 3.759m. Ông Liu nói rằng, năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục khảo sát đại dương, điều tra môi trường và ra luật về đại dương.
Minh Long
Theo Xinhua, People’s Daily, BBC