Nga thanh lý gần 1.000 tăng T-62

TPO – Cuộc “thanh lọc” bắt đầu tiến hành từ tháng 1. Khoảng hơn 900 xe tăng T-62 lỗi thời sẽ được rút ra khỏi hệ thống khí tài quân sự của quân đội Liên bang Nga.
T-62 của Nga tại chiến trường Afghanistan. Ảnh: Interfax

Báo Izvestia dẫn nguồn từ Tổng cục quản lý xe bọc thép thuộc Bộ Quốc phòng Nga ngày 3-1-2013 cho biết, sắc lệnh rút các xe tăng lỗi thời T-62 ra khỏi hệ thống khí tài quân sự Nga được ký từ năm 2011, thời điểm ông Anatoly Serdyukov vẫn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Cũng theo Izvestia, hiện trong các lực lượng vũ trang Nga còn khoảng hơn 900 xe tăng T-62.

Theo kế hoạch, tất cả số xe tăng này được chuyển giao cho Công ty Spetsremont thuộc tổ hợp quốc phòng Oboronservis. Tổ hợp quốc phòng có trách nhiệm xử lý số thiết bị lạc hậu.

Sau khi tháo dỡ xe tăng, các phụ tùng dự trữ gồm cả động cơ, hộp truyền lực và bộ mô-men xoắn sẽ được chuyển đến kho bảo quản.

Dự kiến, những bộ phận này có thể được xuất khẩu ra nước ngoài, ưu tiên các nước đang sử dụng xe tăng T-62 do Nga sản xuất.

T-62 là thế hệ kế tiếp của xe tăng T-54/55 do Liên Xô nghiên cứu sản xuất, được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1961 và duy trì cho tới năm 1975. T-62 nhanh chóng chiếm vị trí của cho T-54 và trở thành loại tăng chủ lực MBT tiêu chuẩn của lực lượng Tăng thiết giáp và Bộ binh cơ giới Liên Xô.

Tuy nhiên, vào khoảng thập niên 80, T-62 trở nên lạc hậu và được thay thế bằng thế hệ tăng T-64, T-72, T-80 tiên tiến hơn.

Nhận diện tăng T-62

Tăng hạng trung T-62 là xe tăng bánh xích với 5 bánh dẫn động mỗi bên, 3 bánh đầu lắp sát nhau còn bánh thứ 3,thứ 4 và thứ 5 thì cách xa nhau khá rõ. Bách xích dẫn hướng nằm phía cuối còn bánh tĩnh thì nằm phía đầu xe. Xe T-62 không có bánh quay xích.

Giống T-54/55, tháp pháo có hình tròn, được lắp ở khoảng trên bánh xích thứ 3, nhưng được đúc láng hơn và tròn hơn tiền bối T-54/55, nên tháp pháo của T-62 có vẻ giống với T-64 và T-72 nhiều hơn. Tháp chỉ huy nằm phía bên trái, đúc liền vào thân chứ không nối bằng đinh tán. Nắp của pháo thủ nằm bên phải.

Vũ khí

T-62 được trang bị súng nòng trơn 115mm mẫu 2A20, có khả năng bắn tên lửa chống tăng ATGM. Pháo của T-62 có nòng dài hơn và lớn hơn nòng pháo 100mm của T-54/55. Thiết bị bore evacuator (có chức năng ngăn hơi thuốc bay ngược lại khoang lái) nằm ở khoảng 2/3 thân súng tính từ tháp pháo. Thêm vào đó là một khẩu súng máy đồng trục 7,62mm cùng 1 đại liên 12,7mm phòng không bắn độc lập, thuộc quyền sử dụng của pháo thủ.

Khẩu pháo 115mm nòng trơn là sự cải tiến có ý nghĩa nhất của T-62 so với tiền bối T-54/55. Khẩu này có khả năng bắn loại đạn xuyên giáp sử dụng thanh xuyên có cánh định hướng gắn cố định, sơ tốc đầu nòng cao vào khoảng 1,6 km/s. Loại đạn này có đạn đạo rất ổn định nên tầm hiệu quả tối đa vào khoảng 1,6 km.

Cơ số đạn tiêu chuẩn của T-62 gồm 40 quả đạn, trong đó có 12 đạn HVAPFSDS xuyên giáp, 6 đạn nổ HEAT và 22 đạn nổ HE. T-62 còn có bộ phận hất vỏ đạn ra theo 1 đường rãnh thoát nằm cuối tháp pháo. Tốc độ bắn có thể đạt đến 3-5 viên/phút.

Nhược điểm

Tuy nhiên, T-62 mắc phải điểm yếu chung của dòng họ T: thiết bị điều khiển pháo không được tinh vi, góc hạ nòng súng thấp, khoang điều khiển chật hẹp.

Hệ thống tự động hất vỏ đạn cũng gây nên sự rò rỉ ngược khí carbonic và gây thương tổn vật lý khi vỏ đạn văng ra khỏi nòng cho thành viên tổ lái, thêm vào đó, lỗ hất vỏ đạn là một khe hở chết người của hệ thống NBC.

Mỗi khi bắn, khẩu pháo phải nằm đúng vị trí khe hất vỏ đạn, đồng thời tháp pháo cũng không thể quay khi đang thao tác nạp đạn. Mặc dù xa trưởng có khả năng chiếm quyền của pháo thủ và quay tháp pháo nhưng pháo thủ không thể bắn từ vị trí chỉ huy vì không có tầm quan sát.

Việc quay tháp pháo bằng tay gây khó khăn rất nhiều cho việc tác xạ khi di chuyển và tốc độ bắn liên tiếp bị hạn chế.

Trần Vũ
(theo Izvestia - Wikipedia)

Theo Dịch