Nga sắp có ‘tàu hỏa hạt nhân’

TPO - Việc thiết kế đang được tiến hành. Theo đúng tiến độ, “tàu hỏa hạt nhân” đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế của lực lượng Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) sau năm 2020.

RIA Novosti dẫn nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, các công đoạn thiết kế - thí nghiệm trong khuôn khổ của dự án này đang được tiến hành. Theo tính toán sơ bộ, các “tàu hỏa hạt nhân” đầu tiên sẽ được đưa vào phục vụ trong biên chế của RVSN sau năm 2020.

Đến năm 2005, trong trang bị của Nga hiện có 12 BZHRK loại 15P961 với 36 bệ phóng tên lửa đạn đạo RT-23 UTTH đặt tại ba sư đoàn: sư đoàn tên lửa số 10 nằm ở tỉnh Kostroma, sư đoàn số 52 ở tỉnh Perm và sư đoàn số 36 ở tỉnh Krasnoyarsk.

Các hệ thống này được Liên Xô phát triển từ năm 1969, trung đoàn BZHRK đầu tiên trang bị hệ thống tên lửa đường sắt bước vào trực chiến vào tháng 10-1987.

Năm 1993, Nga và Mỹ đã ký hiệp định cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START-II, theo đó, RVSN trước hết phải hạn chế các tuyến đường tuần tra của các hệ thống tên lửa Molodets, sau đó vào năm 2003 sẽ phải loại bỏ hoàn toàn các hệ thống này.

Mặc dù, vào năm 2002, Nga đã chính thức rút khỏi START-II, nhưng đến cuối năm 2005, tất cả các hệ thống tên lửa đường sắt vẫn bị loại khỏi trang bị, còn từ năm 2006, RVSN bắt đầu nhận các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất Topol-M.

Hiện nay, giữa Nga và Mỹ tồn tại hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START-III, nhưng văn kiện này không cấm các bên chế tạo các hệ thống tên lửa đường sắt.

Hệ thống tên lửa đường sắt Molodets bao gồm 3 đầu máy diesel, 1 sở chỉ huy gồm 7 toa tàu, 1 toa xi-tec chứa nhiên liệu-dầu mỡ và 3 bệ phóng. Bề ngoài, một đoàn tàu hỏa mang tên lửa chiến lược giống hệt một đoàn tàu thường với các toa lạnh, các toa bưu chính và chở khách.

Tên lửa RT-23 UTTKh của hệ thống này có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 10.000 km. Mỗi tên lửa được trang bị một phần chiến đấu mang 10 đầu đạn dẫn độc lập, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ 400 kT. Tên lửa có chiều dài 22,6 m, đường kính 2,4 m.

Theo Viết