Nga rút quân nhưng không rời khỏi Syria

TPO - Nga đang rút quân khỏi tiền tuyến ở miền bắc Syria và các tiền đồn trên dãy núi Alawite nhưng không rời khỏi 2 căn cứ chính của họ tại quốc gia này sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, Reuters dẫn thông tin từ 4 quan chức Syria cho biết.

Căn cứ hải quân Tartous của Nga ở Syria. (Ảnh: Reuters)

Việc ông Assad bị lật đổ khiến số phận các căn cứ của Nga, gồm căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và cơ sở hải quân Tartous, bị đe doạ.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 13/12 cho thấy có 2 chiếc Antonov AN-124 – dòng máy bay chở hàng thuộc hạng lớn nhất thế giới - tại căn cứ Hmeimim với phần đầu máy bay mở ra, dường như đang chuẩn bị chất hàng.

Một quan chức an ninh Syria bên ngoài cơ sở này cho biết, ít nhất 1 máy bay chở hàng đã bay đến Libya trong ngày 14/12.

Các nguồn tin quân sự và an ninh Syria liên lạc với phía Nga nói với Reuters rằng Mátxcơva đang rút quân khỏi tiền tuyến và rút một số thiết bị hạng nặng cùng sĩ quan cấp cao của Syria. Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên cho biết Nga chưa rút khỏi 2 căn cứ chính và không có ý định làm như vậy.

Một sĩ quan cấp cao của quân đội Syria có liên lạc với quân đội Nga cho biết, một số thiết bị đang được đưa về Mátxcơva cùng các sĩ quan cấp cao của quân đội chính quyền Assad, nhưng mục tiêu ở giai đoạn này là tập hợp lại và triển khai lại theo diễn biến trên thực tế.

Một quan chức cấp cao của lực lượng đối lập thân cận với chính quyền lâm thời mới xác nhận, vấn đề về sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria và các thỏa thuận trước đây giữa chính phủ Assad và Mátxcơva chưa được bàn đến.

"Đây là vấn đề cho các cuộc đàm phán trong tương lai và người dân Syria sẽ có tiếng nói cuối cùng", vị quan chức cho biết và nói thêm rằng Mátxcơva đã thiết lập các kênh liên lạc.

Nga ủng hộ Syria từ thời Chiến tranh Lạnh và công nhận nền độc lập của nước này vào năm 1944, khi Damascus nỗ lực lật đổ chế độ thực dân Pháp. Phương Tây từ lâu vẫn coi Syria là vệ tinh của Liên Xô (cũ).

Các căn cứ ở Syria là một phần không thể thiếu đối với Nga trong nỗ lực hiện diện ở nhiều khu vực của thế giới.

Căn cứ hải quân Tartous là trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, còn Hmeimim là trạm trung chuyển chính cho hoạt động quân sự và vận chuyển đến châu Phi.

Theo Reuters