Văn Quyến sinh năm 1984, nếu tính theo cách của các cụ, anh đã 28 tuổi, hẳn là đã quá già để gọi là một cậu bé.
Song, khái niệm cậu bé vàng vẫn có thể được sử dụng với Văn Quyến bởi thế giới vẫn thường gọi như thế cho những người phát lộ tài năng từ rất sớm và làm được những điều phi thường mà thường thì người lớn chưa chắc đã làm nổi.
Có 2 loại cậu bé vàng, một là những người tiếp tục thể hiện tài năng của mình cho tới cả khi đã trưởng thành, và còn lại không thành công khi phát triển sự nghiệp về sau.
Văn Quyến cho tới lúc này thuộc về trường hợp thứ hai, dù những phẩm chất chơi bóng đặc biệt không mất đi sau 12 năm nếu lấy cột mốc VCK U-16 châu Á đá ở Đà Nẵng, hay 8 năm nếu lấy SEA Games 2003 làm cơ sở. Tức là hoàn toàn khác biệt so với những dạng tài năng chỉ nở rộ khi còn là nhi đồng kiểu như bé Xuân Mai chuyên hát nhạc thiếu nhi từ khi mới được chừng 20 tháng tuổi lớn lên hát rất phô, hay tầm cỡ thế giới là Macaulay Culkin đóng phim như làm xiếc mặt xinh như trong tranh, nhưng lớn lên bị các chị em và cả anh em xem phim chê là xấu trai và bảo diễn xuất như diễn kịch.
Thế thì Văn Quyến vẫn chỉ là một cậu bé là do môi trường chơi bóng và cả môi trường sống? Sông Lam mặc dù đã có những thay đổi đáng kể sau khi trở thành một đội bóng doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần nhưng với những con người đi lên từ bóng đá bao cấp nó giống với một doanh nghiệp nhà nước hơn là một công ty tư nhân năng động và đề cao giá trị tài năng.
Chẳng hạn, nếu như Văn Quyến rơi vào tay bầu Thắng, bầu Đức, thậm chí chỉ cần như bầu Liêm của Thể Công ngày trước cũng sẽ không phải chịu cái cảnh lên đến tuyển mới phát hiện chấn thương, do ở CLB thiếu bác sĩ giỏi và nhất là quan niệm về y học thể thao vẫn là một cái gì đó khá xa xỉ.
Trong số 7 cầu thủ nhúng chàm, 5 cầu thủ chơi ở những CLB ít nhiều có sự cấp tiến cho tới hôm nay đều ít nhiều lấy lại được vị thế và cả danh tiếng như Văn Trương ở HA.GL, Phước Vĩnh, Hải Lâm và Quốc Anh ở SHB. Đà Nẵng và Bật Hiếu ở Hải Phòng. Chỉ có Quốc Vượng được cho là “hết thuốc chữa”. Nhưng ngay cả Vượng, khi ra với Thể Công cũng được đơn vị chủ quản là Tập đoàn Viettel hết cho vào Viện 108 rồi sang Singapore chữa chấn thương vôi hóa cổ chân tốn hơn nửa tỉ đồng.
Cuối năm 2010, Văn Quyến đặt bút ký hợp đồng trọn đời với Sông Lam. Đó không phải do cầu thủ từng ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Hàn Quốc năm 2003 không có sự lựa chọn cho mình một môi trường khác, cũng không hoàn toàn là do những vấn đề tài chính cá nhân thúc bách, thậm chí việc trả ơn đội bóng cũng chỉ là một cái cớ, mà đơn giản, Quyến đã tự đóng đinh số phận với đội bóng.
Quyến không còn ở hoàn cảnh hoàn toàn giống như cái thủa thoát ly từ làng ra thành phố Vinh hơn chục năm về trước, nhưng giữa Sông Lam với đa phần các CLB khác ở V-League cũng đủ coi việc mỗi cầu thủ ở đó ra đi là tìm kiếm cơ hội đổi thay, trải nghiệm để phát triển.
Chọn ở lại Sông Lam liệu có phải là Quyến muốn được ở trong cái vỏ ốc của sự bao bọc và che chở của những người được coi là đàn anh và tìm kiếm sự tôn trọng mang tính mặc nhiên phải có từ đám cầu thủ mới lớn? Hay như câu chuyện ở trên là Quyến vẫn cứ thích tiếp tục vai diễn của một cậu bé trong cái vỏ thể chất của người trưởng thành?
Chỉ tiếc là ngay cả điện ảnh có kỹ xảo cũng khó kéo lùi thời gian chứ chưa nói tới việc bóng đá là cuộc chơi trần trụi, khắc nghiệt để cho người lớn vẫn được làm cậu bé.
Theo Thể thao văn hóa