Nên giảm của người lương hưu cao, tăng cho người lương hưu thấp?

Nên có chính sách giảm của người có lương hưu cao, tăng cho người có lương hưu thấp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu?

Bà Lê Thị Ngọc (68 tuổi, ngụ ở Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ người già sợ nhất là bệnh tật vì lương hưu có hạn. Bà Ngọc bày tỏ, năm 2025 có thể chưa tăng lương hưu song cần quan tâm nhiều hơn đến những người hưởng lương hưu dưới 3 triệu đồng khi sống cùng người phụ thuộc không tạo ra thu nhập.

Theo bà Ngọc, với mức lương hưu dưới 3 triệu đồng, để đảm bảo cuộc sống hàng ngày là rất khó khăn, chắc chắn phải nhờ con cái hỗ trợ.

"Tôi biết đóng BHXH cao thì sẽ lãnh lương hưu cao và ngược lại. Nhưng hiện nay, lương hưu ở Việt Nam chênh lệch đến 60 lần khi người lãnh lương hưu cao nhất 140 triệu đồng, còn người nhận lương hưu thấp nhất 2,34 triệu đồng. Biết không thể cào bằng nhưng nên ưu tiên tăng lương cho người nhận lương hưu dưới 3 triệu đồng"- bà Ngọc đề xuất.

Nhiều người lao động về hưu khó khăn khi lãnh mức lương hưu trên dưới 3 triệu đồng.

Ý kiến về vấn đề này, LS Đào Quang Huy (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết quy định điều chỉnh lương hưu theo điều 67 Luật BHXH năm 2024 là hợp tình, hợp lý, hợp với xu hướng phát triển:

"{Điều 67 (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024)

Điều chỉnh lương hưu

1. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

3. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này."

Theo LS Huy, nguyên tắc xuyên suốt của Quỹ BHXH là "chia sẻ giữa những người tham gia BHXH" được quy định tại khoản 1 điều 5 Luật BHXH (năm 2006; 2014 và 2024):

"Điều 5. Nguyên tắc BHXH: "Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH"

Thêm vào đó, đối tượng hưởng lợi của chính sách là số đông người hưu trí. Chính sách BHXH, mức lương tham gia, độ tuổi nghỉ hưu… qua các thời kỳ là khác nhau nên tỉ lệ chênh lệch quá lớn giữa những người đang hưởng chế độ hưu trí… điều này đảm bảo được nguyên tắc "Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH" nhưng chưa đảm bảo được nguyên tắc "chia sẻ giữa những người tham gia BHXH".

Trên thực tế, chỉ có số người tham gia BHXH được hưởng lương hưu rất cao là không nhiều; rơi vào nhóm làm việc cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài… còn lại đại đa số là hưởng mức lương trung bình và thấp… Như vậy, khi điều chỉnh lương hưu theo điều 67 Luật BHXH năm 2024 thì đối tượng hưởng lợi của quy định này là số đông.

Ngoài ra, việc điều chỉnh này là điều chỉnh trên tỉ lệ phần trăm nhất định theo tỉ lệ trượt giá được ban hành hàng năm nên việc ảnh hưởng đến người có mức lương hưu cao cũng không lớn so với thu nhập họ đang được hưởng. Ngược lại, người đang hưởng mức lương hưu thấp được điều chỉnh tăng nhiều hơn có tác động rất tích cực bản thân họ và cả xã hội.

Người nhận được lương hưu cao rất ít, đa số ở mức lương thấp.

Ví dụ như đối với người đang hưởng lương hưu rất cao điều chỉnh thêm khoảng 10%/lần là rất lớn nhưng với những người lương hàng tháng bằng lương tối thiểu chung cùng hưởng tỉ lệ 10% như trên lại rất thấp khiến việc chênh lệch ngày càng tăng; người hưởng lương hưu thấp chỉ đủ chi phí sinh hoạt cơ bản nếu không ốm đau, bệnh tật…

LS Huy đề xuất nên điều chỉnh tăng lương theo lũy tiến tăng/giảm là phù hợp với xu hướng cũng như các ngành luật khác như:Thuế thu nhập cá nhân là mức thuế đóng lũy tiến theo thu nhập gần nhất so với mức lương hàng tháng của người hưởng hưu trí; lũy kế tạo ra sự công bằng giữa các đối tượng chịu thuế. "Mục đích chung của các quy định là mang đến sự công bằng hơn cho người dân, giảm sự chênh lệch giữa các đối tượng có nghĩa cũng như đối tượng hưởng lợi cùng một lĩnh vực…"- LS Huy đề xuất.

Theo Người lao động