Hôm nay, khai mạc V-League 2010:

Nâng tầm vóc, lắm phát sinh

TP - Chiều nay, V-League 2010 khởi tranh, với 6 cặp đấu trên các sân cả nước (riêng trận SHB Đà Nẵng - XM Hải Phòng dời đến ngày 3-2 do Đà Nẵng phải thi đấu ở AFC Cup trên sân Chi Lăng). 10 năm lên chuyên là một câu chuyện dài...
Bình Dương vô địch 2 mùa. Ảnh: T.Vũ

Chức vô địch của SLNA ở mùa đầu tiên 2000-2001 được xem là cột mốc khởi đầu cho V-League như là một cuộc tập huấn học lên chuyên. Hồi đó, bóng đá xứ Nghệ đang thống trị giải VĐQG khi mà mùa trước đó, 1999-2000 họ cũng vô địch để sau đó ba lần liên tiếp đoạt Siêu Cup VN cũng vừa mới khai sinh. 

Một năm sau, mùa 2001-2002, chức vô địch V-League của CSG được xem là hoàn toàn bất ngờ. Đây có lẽ là ngoại lệ duy nhất của V-League khi một đội bóng không đặt tham vọng vô địch lại vô địch.

Thời gian này, V-League còn nặng di chứng của thứ bóng đá ân tình, xin cho vay mượn trước đó nên tính cạnh tranh còn hạn chế.

Nhưng đến mùa 2003, sự xuất hiện mới mẻ của HAGL từ Tây Nguyên đã mang lại cho V-League nhiều sinh khí. Hai mùa liên tiếp đội bóng phố núi giành ngôi vô địch đã làm ngỡ ngàng các trung tâm bóng đá khác, và từ đó một cuộc chạy đua về tháo gỡ cơ chế cũ đã chuyển dịch mạnh mẽ trong các đội để rồi sau đó, ĐTLA, Bình Dương thay nhau liên tiếp hai mùa vô địch mà cách làm cũng không khác mấy so với HAGL.

Từ đó, bóng đá VN xuất hiện cụm từ "tam đại gia" cho đến mùa năm ngoái, SHB Đà Nẵng đã chứng tỏ cách làm bóng đá của ba đại gia qua sáu mùa thống trị V-League là không bền. Và cần phải "đổi mới tư duy" nhiều hơn nữa để làm sao duy trì sức mạnh trong thế "cân bằng bền" khi mà yếu tố tinh thần tích cực lúc đầu đã trở nên nhàm.

Ngày càng phức tạp

Mùa giải thứ 10 năm nay của V-League đánh dấu một thập kỷ lên chuyên với nhiều hy vọng, nhưng bên cạnh đó cũng nhiều thách thức. Các nhà làm bóng đá VN tự hào khi mới đây, IFFHS (Liên đoàn Thống kê Lịch sử Bóng đá Thế giới) công bố V-League của Việt Nam được xếp hạng 76 trong tốp 100 đấu trường bóng đá quốc nội mạnh nhất thế giới năm 2009 và là giải hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Có thể hy vọng V-League 2010 sẽ có tính chất chuyên nghiệp hơn khi mà các đội đều phá bỏ được cơ chế cũ (theo từng mức độ) và mặt bằng thu nhập của các cầu thủ cũng như quỹ tài chính của các đội không còn quá cách biệt như trước đây, mở ra cuộc đua tranh gay cấn và quyết liệt hơn.

Nghe đâu, đến tháng 8-2010, VFF quy định tất cả các CLB phải là doanh nghiệp và bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của AFC để tham dự các đấu trường quốc tế.

So với các mùa giải trước, V-League 2010 được bổ sung nhiều qui định cụ thể hơn, nhưng vẫn không chạy theo kịp thực tế phát sinh ngày càng phức tạp về chuyển nhượng, mua bán, bỏ cuộc và nạn hooligan giờ cũng tinh vi hơn.

Việc lình xình như mua suất thăng hạng rồi bỏ suất xuống hạng cũng đòi hỏi quy chế bóng đá chuyên nghiệp phải chặt chẽ hơn nữa, theo kịp thực tiễn phát sinh.

Cuộc chơi của tiền

Dù tiền không phải là tất cả nhưng không tiền thì không trụ nổi ở V-League.

Nhiều mùa V-League qua, những đội xuống hạng đều là những đội bóng nghèo nên không mua nổi các tinh binh. Vì vậy, V-League càng ngày càng không có chỗ cho những đội bóng nghèo, mà hệ quả là Thanh Hóa mua Thể Công, còn QK4 thì bán cho Navibank Sài Gòn.

Ứng cử viên cho ngôi vô địch mùa 2010 vẫn là những đội bóng có nhiều tiền. Dĩ nhiên giờ đây, sự chênh lệch về tiền bạc giữa các đội không còn quá cách biệt vì đội nào cũng chú trọng đầu tư. Nhưng một số đội tiềm ẩn khó khăn trong mùa vì chưa thích ứng kịp.

Đó là những trường hợp phát sinh như Lam Sơn - Thanh Hóa vẫn xài tiền từ Viettel, Nam Định có thêm tiền của Megastar vẫn bị mất hầu như toàn bộ trụ cột, Đồng Tháp mất đi các nhân tố tốt nhất mà tậu về không tương xứng, Navibank Sài Gòn thì không đủ thời gian để xài tiền.

V-League sau 10 năm đã có một bước tiến dài nếu nhìn lại bóng đá 10 trước, nhưng càng ngày sẽ càng khắc nghiệt hơn dưới sự tác động của đồng tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Nhưng giờ đây có nhiều tiền chưa chắc đã vô địch và ngược lại, có khi nhiều tiền chưa chắc đã trụ hạng. Bởi còn yếu tố chủ thể là con người và hệ thống vận hành như thế nào nữa.

Khái niệm đại gia sẽ thay đổi

Nếu trước đây, bộ ba thế lực là HAGL, ĐTLA, Bình Dương được gọi là nhóm tam đại gia thì, giờ đây, ĐTLA có lẽ đã rớt nhóm, đồng thời xuất hiện các đại gia mới như SHB Đà Nẵng, XM Hải Phòng, HN T&T,v.v.  Ngay cả đội mới lên hạng The Vissai Ninh Bình cũng là tiềm năng nếu để ý qua những gì họ đầu tư về con người cũng như tiền bạc. 

V-League tuổi lên 10 vẫn còn ít nhiều cách biệt nhưng, có thể nói,  không còn kẻ nghèo. Và với đà này, chỉ vài ba mùa nữa, sẽ có khoảng 10/14 đều là đại gia. Lúc đó khái niệm đại gia sẽ không còn nữa. Thay vào đó, có thể là một hình thái khác.

Trong tiến trình phát triển, V-League 2010 với tuổi lên 10 hứa hẹn vô cùng gay cấn và quyết liệt ngay trong các trận khai mạc chiều nay. Chỉ mong sao, các nhà làm quản lý của bóng đá VN có đủ tâm và tài để V-League ngày càng khẳng định không những là thương hiệu mà còn là danh hiệu.