Phát biểu khai mạc Hội thảo Khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo khối Kinh tế tại Trường Đại học Trưng Vương”, TS. Nguyễn Huy Oanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trưng Vương cho biết, hội thảo được tổ chức với mục đích lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, giảng viên và doanh nghiệp để hoàn thiện chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo; tham gia đóng góp thông qua các ý kiến, thảo luận, trình bày giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành Kinh tế.
Tham luận tại tọa đàm, Thạc sĩ Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính cho rằng, từ việc nhận diện những nhân tố ảnh hướng tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học khối kinh tế, hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ngành kinh tế là vô cùng cần thiết, gắn liền với công tác chuyển đổi số.
Hướng tới giáo dục đại học thông minh
Phát biểu tham luận trong hội thảo, PGS.TS. Thịnh Văn Vinh - Học viện Tài chính cho biết, hội nhập Quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên những cơ hội và thách thức lớn cho lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán ở Việt Nam. Trên thực tế, chất lượng đào tạo của các trường Đại học đào tạo ngành kế toán - kiểm toán chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhất là trong thời địa cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nhân lực kinh tế sẽ thay đổi căn bản về phương thức kiểm toán và sử dụng thông tin, kết quả kiểm toán để phục vụ quản trị và điều hành của các đối tượng sử dụng thông tin.
Đánh giá về vấn đề này, ThS. Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Thường Trực Công ty Cổ phần MISA nhận định, sự xuất hiện của AI đã làm thay đổi nhu cầu về các kỹ năng của người lao động.
"Hiện nay, ngành kế toán đang chứng kiến sự len lỏi của công nghệ AI, mang đến những bất ngờ thú vị và tiềm năng to lớn. Công việc của người làm kế toán đã chuyển dịch từ phần lớn thời gian dành cho công việc nhập liệu, ghi chép sổ sách báo cáo, phân tích và tham mưu sang biết cách vận dụng hệ thống phần mềm kế toán hiện đại để phát huy tối đa hiệu quả công việc. Bằng cách tận dụng tối đa lợi ích từ chuyển đổi số, các trường học sẽ đặt nền móng vững chắc cho một thế hệ học sinh mới, đồng thời mở rộng cánh cửa cho những cơ hội học tập không giới hạn", Ông Quang nhận định.
Cùng với việc chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn nền tảng, đào tạo cho sinh viên cần chú ý đến việc hình thành và phát triển tư duy ứng dụng công nghệ trong công việc thực tế, nhất là việc tạo điều kiện để sinh viên các chuyên ngành có cơ hội trải nghiệm thực tiễn bằng cách đưa vào giảng dạy các phần mềm đang được áp dụng tại doanh nghiệp. Nhờ cơ hội trải nghiệm công việc thực tế, người học sẽ nâng cao kỹ năng chuyên môn, tăng cường khả năng cạnh tranh và kích thích tư duy sáng tạo. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trong khi đó, TS Hoàng Văn Tưởng - Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội lại đánh giá rằng, trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo AI sẽ thay thế các nhiệm vụ không gia tăng giá trị, do đó nhân lực ngành kinh tế nói chung và kế toán viên nói riêng có thể tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng hơn như phân tích số liệu và tư vấn cho khách hàng. Kỹ năng về công nghệ thông tin, thuế, xã hội và phân tích sẽ ngày càng quan trọng hơn. Nếu không sẵn sàng học hỏi để có được những kỹ năng này thì nhân lực sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.