Nguy hiểm rình rập
Khu đô thị Nam sông Vĩnh Phước được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch 200 ha đất nằm trên địa phận xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quyết định 549 ngày 30/3/2009). Trong đó 67,8 ha đất được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư chi tiết khu đô thị theo Quyết định 1907 ngày 18/9/2014. Thế nhưng, từ cuối năm 2014 đến nay, nhiều cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng việc chính quyền chưa đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị này nên đào trộm đất đưa đi nơi khác san lấp xây dựng các công trình.
Khu vực đồi đất bị múc trộm chỉ nằm cách hành lang tuyến đường Hùng Vương nối dài giữa phường Đông Lương (TP Đông Hà) với xã Triệu Ái của huyện Triệu Phong chừng 5-6 m. Theo quy định của Chính phủ, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao thế 110 KV, khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến các phương tiện đang hoạt động trong hành lang lưới điện là 6m. Song tại khu vực đồi này, việc múc đất trong một thời gian dài tạo ra những hố lớn có chiều ngang hơn chục mét. Có cột điện cao thế bị khoét gần trọn đất xung quanh, chỉ còn lại khoảnh nhỏ dưới chân cột, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị, ngoài việc gây mất an toàn đường dây điện cao thế, nguy hiểm ảnh hưởng tính mạng cư dân xung quanh thì hàng nghìn khối đất bị đưa đi để lại những hầm hố nham nhở gây khó khăn trong việc san ủi tạo mặt bằng cho xây dựng Khu đô thị Nam sông Vĩnh Phước nay mai. Và lúc đó phải bỏ ra tiền tỷ để đưa đất từ nơi khác về thay thế cho số đất bị mất đi.
Hậu quả khôn lường
Điều lạ là đất bị xúc trộm, nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện rất cao, song cho đến lúc này, giải pháp duy nhất được các ngành chức năng đưa ra chỉ mới là đặt biển cấm khai thác đất. Trong khi đó việc xử lý các hành vi khai thác đất trái phép như thế nào vẫn chưa có biện pháp cụ thể.
Phó giám đốc phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị, ông Phan Đăng Hải cho hay, việc khai thác đất trái phép ở Khu đô thị Nam sông Vĩnh Phước diễn ra khá lâu song vẫn chưa được xử lý triệt để và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
“Việc khắc phục, lấy lại mặt bằng cho khu đô thị khi khởi công xây dựng cũng tốn kém hàng chục tỷ đồng. Chẳng hạn khối lượng đất đã bị đào trộm, nếu đắp lại phải vận chuyển ở mỏ đất từ Cam Tuyền cách xa khoảng 15 km và giá thành 1m3 đất khoảng 200.000 đồng, chưa tính chi phí san lấp, đầm chặt. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh cần tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, ngăn chặn hành vi khai thác đất trái phép nhằm bảo vệ dự án khu đô thị này”, ông Hải nói.
Ông Hoàng Quốc Ân, Quản đốc phân xưởng đường dây, Chi nhánh điện cao thế Quảng Trị cho biết: “Trong quá trình khai thác đất nhiều đơn vị đã xâm phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế, sát với chân móng cột điện nên có nguy cơ gây sạt lở, sập cột điện. Chúng tôi đã nhắc nhở, ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn”.