Nắm giữ ngoại tệ không còn là ưu tiên của dân cư

TP - Ngày 4- 12 Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam tháng 11. Báo cáo đánh giá: việc phải chịu mức lãi suất cao (trên 15%/năm) trong một thời gian kéo dài tới nay đã trên 30 tháng làm khó khăn của doanh nghiệp tăng thêm, chi phí lãi vay cao dẫn đến chi phí tài chính cao làm lợi nhuận suy giảm, gây cản trở quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

> Cách đầu tư tốt nhất là...bảo toàn vốn
> Tạm biệt USD…

Ủy ban Giám sát đề xuất để vượt qua được giai đoạn này, Chính phủ cần sớm đưa ra những giải pháp đi thẳng vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể ở đây nên mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất quy định hiện nay. Bên cạnh đó cần khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Theo UBGSTC, hiện có nhiều căn cứ để giảm lãi suất như: Lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%.

Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn. Nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán là rất thấp khi các kênh đầu tư này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban Giám sát cũng nhận định, dự trữ ngoại hối hiện nay khá dồi dào; tình trạng đô la hóa đã giảm đáng kể do tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài.

Việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của dân cư, do đó việc hạ lãi suất VND sẽ không có tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang USD.

Theo Báo giấy