Nắm bắt cơ hội phát triển ngành điện tử tiêu dùng Việt Nam – Trung Quốc

Ngày 18/11, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) đã diễn ra hội thảo chuyên ngành điện tử tiêu dùng Việt - Trung lần thứ nhất với chủ đề “Tinh hoa dữ liệu, định hướng tương lai”. 

Hội thảo đã quy tụ hàng trăm khách mời đến từ cơ quan ban ngành của Việt Nam và Trung Quốc; lãnh đạo các hiệp hội, các nhà phân phối bán lẻ tại Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp điện tử tiêu dùng đến từ Trung Quốc, Nhật Bản để thảo luận về xu hướng phát triển trong tương lai của ngành hàng điện máy và điện tử tiêu dùng.

Hội thảo đặc biệt có sự tham gia của ông Hà Vĩ - Đại sứ nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam, ông Ô Quốc Quyền – Tham tán Công sứ, ông Quách Tân Thụy - Trưởng Phòng Chính trị Tin tức Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa, ông Ngụy Hoa Tường - Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TPHCM, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ Tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI khu vực TPHCM, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương.

Phát biểu tại chương trình, ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI Chi nhánh TPHCM cho biết, giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Việt Nam gần Trung Quốc nên thuận tiện đi giao thương, chi phí vận chuyển thấp. Trung Quốc là thị trường quan trọng của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chủ yếu cung cấp nguyên liệu sản xuất cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc cũng là một thị trường quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nhẹ của Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch ra ngoài, và Việt Nam là một địa điểm đến tiềm năng. Đặc biệt, TPHCM có môi trường đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt và nguồn nhân lực dồi dào.

Theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương, Trung Quốc và Việt Nam đang có quan hệ kinh tế giao thương rất chặt chẽ. Ông Tài kỳ vọng Việt Nam và Trung Quốc có không gian hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực thiết bị điện máy gia dụng và thiết bị viễn thông, kỹ thuật số.

Gần 50 năm phát triển, ngành điện gia dụng và điện tử tiêu dùng Trung Quốc đã từ giai đoạn khởi đầu nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm toàn cầu. Sự tăng trưởng thể hiện qua từng năm. Trong năm 2023, sản lượng điện gia dụng của Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao trên thế giới, đạt 83% đối với máy điều hòa không khí, 58% đối với tủ lạnh/tủ đông và 52% đối với máy giặt, với tổng sản lượng đạt 360 triệu chiếc. Đồng thời, tổng doanh thu bán lẻ điện gia dụng của Trung Quốc chiếm 27% thị trường toàn cầu, giá trị xuất khẩu chiếm tới 43,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.

Tại khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và lợi thế dân số rõ rệt. Trong đó, Việt Nam nhờ vào cơ cấu dân số trẻ và quá trình đô thị hóa nhanh, đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gia dụng và điện tử tiêu dùng, trở thành điểm đến quan trọng cho các thương hiệu điện gia dụng và chuỗi cung ứng đến từ Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy, quy mô thị trường điện gia dụng tại Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 10% /năm. Dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt 10 tỷ USD.

Ông Từ Đông Sinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện gia dụng Trung Quốc nhìn nhận, thị phần của các doanh nghiệp điện gia dụng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng qua từng năm. Các doanh nghiệp điện gia dụng nổi tiếng của Trung Quốc như TCL, Haier, Midea, Gree… đã mở nhà máy và mở rộng thị trường tại Việt Nam. Những công ty này đã dần chiếm được lòng tin và sự yêu mến của người tiêu dùng Việt Nam thông qua việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ ưu việt.

“Trung Quốc và Việt Nam có vị trí địa lý gần gũi và đều là quốc gia ký kết RCEP, với sự bổ sung mạnh mẽ về kinh tế và thương mại. Thị trường điện gia dụng Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến thương hiệu và chất lượng. Với chất lượng vượt trội và giá trị sử dụng hợp lý, các sản phẩm điện gia dụng Trung Quốc có thể đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ Trung Quốc để phát triển và mở rộng ngành công nghiệp của mình. Thông qua việc tăng cường hợp tác, hai bên có thể đạt được sự chia sẻ tài nguyên và bổ sung lợi thế, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng và hợp tác đôi bên cùng có lợi” – ông Sinh nhấn mạnh.

Tại hội thảo “Kề vai sát cánh - Chung tay thành công, Hợp lực thúc đẩy phát triển ngành điện tử tiêu dùng Việt – Trung”, các doanh nghiệp giữa hai quốc gia cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến về cơ hội và thách thức của thị trường điện gia dụng Trung-Việt, tìm kiếm mô hình phát triển hợp tác cùng có lợi.

Theo các doanh nghiệp ngành điện gia dụng của Trung Quốc, Việt Nam đang sở hữu những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, chi phí lao động và nhiều yếu tố khác, mang đến cho các doanh nghiệp Trung Quốc cơ hội phát triển rộng lớn và tích hợp chuỗi cung ứng. Mô hình hợp tác bổ sung ngành công nghiệp này không chỉ thúc đẩy sự phát triển chung của các doanh nghiệp hai bên, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia. Các doanh nghiệp Trung Quốc kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ổn định; đồng thời cam kết sẽ đưa thêm nhiều sản phẩm chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng Việt Nam, tạo môi trường hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.