Tại phiên chợ nông sản vừa mở bán ngay cổng ra vào của siêu thị Big C An Lạc (Q.Bình Tân, TPHCM), chị Nguyễn Thị Hồng (27 tuổi, ngụ đường Bà Hom, Q.6, TPHCM) đã chọn đầy giỏ rau trái tươi ngon vừa đưa từ Lâm Đồng xuống. “Gia đình tôi rất thích các loại dưa leo baby, cà rốt mini… Hôm nay bất ngờ tìm mua được sản phẩm này, lại còn giảm giá nên vui lắm.” – chị Hồng chia sẻ.
Theo đại diện gian hàng của tỉnh Lâm Đồng, đây là sản phẩm sạch từ các các hộ nông dân liên kết với hợp tác xã (HTX) giới thiệu khách hàng TPHCM trong dịp này. “Chúng tôi có xà lách, su su, cà chua… đặc biệt sâm dây Ngọc Linh tươi. Tất cả sản phẩm đều đảm bảo an toàn thực phẩm, trồng theo tiêu chuẩn VietGap” – nhân viên cho hay.
Lần đầu mang trái na nữ hoàng “siêu to khổng lồ" bán tại siêu thị TPHCM, anh Liêm, quản lý trang trại ở Đồng Nai cho biết: “Mỗi trái nặng trung bình 500gr, giá 130.000 đồng/kg. Na nữ hoàng là giống từ Thái Lan, hiện được trồng tại Đồng Nai rất nhiều. Chúng thuộc dòng na dai nên vị ngọt đậm đà, thịt dày. Một năm vườn thu hoạch hai đợt vào dịp hè và Tết Nguyên Đán. Mỗi đợt khoảng 5 tấn”.
Anh Liêm cho hay, na nữ hoàng đã được trang trại xuất khẩu sang những thị trường khó tính ở châu Âu. Dịch COVID-19 vừa qua, việc xuất khẩu vẫn thuận lợi do các đơn hàng đều đã ký hợp đồng từ trước. Lần này giới thiệu ở TPHCM, khách hàng rất quan tâm và đón nhận. “Nếu khách hưởng ứng nhiệt tình, tạm thời tôi có thể hoãn các đơn hàng đã đặt trước để tiếp tục đem xuống giới thiệu cho người dân ở đây.” – anh Liêm nói.
Trịnh Sang, startup Chất Mekong chuyên phân phối đường thốt nốt – đặc sản An Giang bộc bạch: “Tôi mới khởi nghiệp được 2 tháng nay. Từ khi có dịch bệnh COVID-19, khi thấy nhiều đặc sản quê hương khó về đầu ra, tôi quyết định sẽ đem đặc sản đường thốt nốt của đồng bào Khơme (An Giang) giới thiệu đến TPHCM và nhiều địa phương khác. Tôi và nhóm bạn của mình còn lập nhóm để đưa thêm nhiều sản phẩm quê nhà đi xa hơn”.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục liên kết hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra vào tháng 3, tháng 4, có đến 70% các HTX bị ảnh hưởng, trên 30% bị giảm hơn nửa doanh thu. Việc mở những phiên chợ nông sản sẽ giúp các HTX đẩy mạnh sản xuất trở lại.
Theo ông Thịnh, câu chuyện về an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu khi đưa đặc sản vùng miền đến các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể làm được chuỗi an toàn thực phẩm khi nông dân, HTX, DN liên kết lại với nhau và có sự kiểm soát rõ ràng. Dịp này là cơ hội để các trang trại, HTX kết nối được với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Các HTX sẽ sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường, trong đó có các thị trường cao cấp như Mỹ, Châu Âu… Bên cạnh đó, để có thể đưa hàng đi xuất khẩu, nông dân cần liên kết cả chiều ngang và chiều dọc; liên kết trong các HTX và tổ hợp tác; liên kết trong các chuỗi giá trị với “đầu kéo” là doanh nghiệp đầu ra và các nhà xuất khẩu” – ông Thịnh chia sẻ.