Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại trước thềm cuộc gặp Trump-Tập

TPO - Các nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại và tạo ra cam kết trước thềm cuộc đàm phán cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchinn và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ( từ trái sang) đã nối lại đàm phán qua điện thoại ngày 24/6.

Theo bản tin của Tân Hoa xã ngày 25/6, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với những người đồng cấp là Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin. Hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề thương mại, kinh tế. Cả hai bên đều nhất trí sẽ tiếp tục liên lạc với nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Nhật Bản ngày thứ Năm và sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka. Cuôc gặp Trump-Tập dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo này sẽ nhằm tái cân bằng các quan hệ kinh tế và hướng tới một thỏa thuận cho cuộc đình chiến thương mại.

Bắc Kinh và Washington đang bị kẹt trong một cuộc chiến thương mại trong vòng một năm qua với việc mỗi bên áp dụng mức thuế 25% với các sản phẩm nhập khẩu của nước kia. Mỹ đang tổ chức các phiên điều trần về việc ddwda ra danh sách các mặt hàng Trung Quốc sẽ bị áp thuế, chủ yếu là các sản phẩm điện tử và tiêu dùng trị giá khoảng 300 tỷ USD và sẽ tiếp tục áp các mức thuế quan mới nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.

Cộng đồng doanh nghiệp đều mong đợi ông Tập và ông Trump có thể tuyên bố tạm hoãn các mức thuế quan mới và xác định chi tiết cho việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại.

Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn và các thành viên chủ chốt trong đoàn đàm phán cho biết ngày 24/6 rằng, cả hai nước phải thỏa hiệp nếu muốn đạt được một thỏa thuận thương mại. Ông Vương đã nhắc lại rằng, cả hai bên nên đàm phán trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng các nguyên tắc của WTO và lợi ích của mỗi bên.

Các nhà quan sát cũng cảnh báo, cho dù nếu có một cuộc “đình chiến” nữa, các đối đầu giữa hai nước về công nghệ vẫn tiếp tục gia tăng. Tuần trước, Mỹ đã bổ sung 5 công ty công nghệ siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách các thực thể kiểm soát xuất khẩu, tiếp theo lệnh cấm các công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Ngoài ra, tờ Washington Post ngày 25/6 cũng cho biết, một vị thẩm phán Mỹ đã phát hiện ra rằng, ba ngân hàng Trung Quốc đã phớt lờ việc tuân thủ trát hầu tòa trong cuộc điều tra vi phạm lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt cho Triều Tiên.

Tờ báo này cho biết, một trong số ba ngân hàng này có thể sẽ không được tiếp vào hệ thống tài chính Mỹ. Mặc dù vị thẩm phán này không chỉ đích danh ngân hàng nào, nhưng những chi tiết trong phán quyết có liên quan tới các hành động tịch thu dân sự đối với ba ngân hàng gồm Ngân hàng truyền thông, Ngân hàng thương mại Trung Quốc và ngân hàng phát triển Phố Đông Thượng Hải hồi năm 2017.

Lúc đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc các ngân hàng này làm ăn với  một công ty Hong Kong, công ty bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động rửa tiền trị giá hơn 100 triệu USD với Ngân hàng thương mại của Triều Tiên.

Ngay sau khi tin tức này được đưa ra, ngày 25/6, cổ phiếu của ngân hàng thương mại Trung Quốc giảm 4,82 %, ngân hàng phát triển Phố Đông Thượng Hải giảm 3,08% và ngân hàng Truyền thông giảm 3,02%.

 
Theo Tân Hoa xã, Washington Post