Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam làm cảng khí hóa lỏng

TPO - Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) vừa công bố ý định hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát triển dự án cảng khí hóa lỏng ở khu vực phía Nam.
Quyền Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Ian Steff phát biểu tại Hội thảo. (ảnh: ĐSQ Mỹ)

Hội thảo chuyên đề về hợp tác Việt – Mỹ trong lĩnh vực điện khí và phát triển hạ tầng cho ngành khí hóa lỏng tại Việt Nam được phía Mỹ tổ chức ngày 6/12 tại TP Hồ Chí Minh thu hút sự tham gia của hơn 140 đại diện đến từ khu vực công và tư của hai nước, cùng thảo luận về các dự án và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực.

USTDA sẽ tài trợ nghiên cứu khả thi cho dự án, hỗ trợ EVN đánh giá tính khả thi và lực chọn các vị trí chiến lược để phát triển kho cảng - bao gồm cảng biển nước sâu, kho chứa LNG, nhà máy tái khí hóa và các hạ tầng liên quan - từ đó, giúp EVN lập kế hoạch sử dụng khí LNG cung cấp cho các dự án điện khi và lên kế hoạch chuẩn bị kho cảng, dịch vụ tàu vận tải và hạ tầng cần thiết.

Trong hội thảo, lãnh đạo đến từ các tập đoàn AES, Tập đoàn Phát triển Đường ống khí đốt Alaska (Alaska Gasline Development Corporation), Cheniere, Energy Capital Vietnam, Excelerate Energy, ExxonMobil và Marsh, đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt – Mỹ.

Buổi hội thảo cũng có phần trình bày của cơ quan quản lý lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, các tập đoàn và tổng công ty đang phát triển các dự án cảng khí LNG và điện khí tại Việt Nam bao gồm Bộ Công Thương, Tổng công ty Khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Ian Steff, quyền Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách lĩnh vực sản xuất đã điều phối phiên thảo luận về định phí vòng đời của dự án LNG và vai trò của Mỹ trong việc phát triển hạ tầng LNG thế giới, với sự tham dự của các diễn giả đến từ Tập đoàn Exxon, GE Power, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và USTDA.

Ông Ian Steff khuyến khích các chủ dự án lập kế hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam, sử dụng các phương pháp tính toán chi phí vòng đời dự án có tính đến tổng chi phí sở hữu, vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng trong suốt vòng đời, bao gồm cả đầu vào hữu hình như nguồn nguyên liệu và đầu ra vô hình như tác động môi trường.

Những bài trình bày khác từ các công ty Mỹ trong phiên thảo luận đã cung cấp cho các doanh nghiệp năng lượng của Việt Nam các đề tài và kinh nghiệm thực tiễn nhằm phát triển hiệu quả hạ tầng LNG, thúc đẩy thị trường đầu ra cho LNG bằng việc xây dựng cấu trúc và hỗ trợ tài chính thông qua hình thức hợp tác công tư.
 
Trong bài phát biểu chính, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nói rằng việc ban hành chính sách năng lượng cùng các quyết định liên quan không phải lúc nào cũng dễ dàng. Giống như Mỹ và các quốc gia khác, Việt Nam cần phải thông qua các quyết định quan trọng và khó khăn trong lĩnh vực năng lượng trong tương lai gần. Những lựa chọn đầu tư của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nền an ninh năng lượng, chất lượng môi trường, và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của mình cho đến các thế hệ sau.

Hội thảo chuyên đề về Công nghiệp Năng lượng là một hợp phần trong sáng kiến “Tăng cường phát triển và tăng trưởng thông qua năng lượng” cho châu Á hay còn gọi là sáng kiến “EDGE” châu Á. Sáng kiến EDGE châu Á vận động các nguồn lực từ chính phủ và khu vực tư nhân để hỗ trợ phát triển các thị trường năng lượng an toàn và bền vững trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1957, Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu ròng LNG và sẽ trở thành một trong những nhà xuất khẩu khí LNG lớn nhất thế giới trong những năm sắp tới. Các công ty năng lượng Mỹ đang phối hợp với các đối tác trong nước để xúc tiến các hợp đồng nhiên liệu lớn cho khí LNG và phát triển năng lực điện khí của Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ cho biết.

Theo Đại sứ quán Mỹ