Theo RT, tên lửa được phóng lúc 23h ngày 9/2 từ Căn cứ Lực lượng vũ trụ Vandenberg ở California (Mỹ) trong một hoạt động “thường lệ” nhằm chứng minh rằng “khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ là an toàn, bảo mật, đáng tin cậy và hiệu quả”.
Tên lửa – không mang đầu đạn – rơi xuống khu vực lân cận đảo Kwajalein Atoll thuộc quần đảo Marshall, cách đó khoảng 6.800 km.
“Vụ phóng thử thể hiện trọng tâm sứ mệnh răn đe của chúng ta trên thế giới, đảm bảo với người dân Mỹ và các đồng minh rằng vũ khí của chúng ta có khả năng và các phi công của chúng ta sẵn sàng bảo vệ hòa bình trên toàn cầu ngay lập tức”, tướng Thomas Bussiere của Không quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Nhiều hãng truyền thông Mỹ chỉ ra rằng vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên trình diễn ICBM Hwasong-17 tại một cuộc duyệt binh, và lực lượng Không quân Mỹ bắn hạ một “khinh khí cầu do thám” của Trung Quốc bay qua nước này. Bắc Kinh chỉ trích phản ứng của Washington, nhấn mạnh đây là khinh khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu thời tiết, không phải thiết bị do thám.
Minuteman III được đưa vào sử dụng từ những năm 1970, là một phần của “bộ ba hạt nhân” Mỹ. Lầu Năm Góc đã kêu gọi tài trợ để nâng cấp kho vũ khí suốt nhiều năm, nhưng Quốc hội vẫn chưa đồng ý vì chi phí của việc này ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đô la.
Mỹ tiến hành bắn thử tên lửa vài tháng một lần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cuộc thử nghiệm đã được dời lại để giảm căng thẳng – chẳng hạn như vào tháng 8/2022, khi Bắc Kinh phản ứng trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc).
Ở những thời điểm khác, Mỹ thực hiện các cuộc thử nghiệm tên lửa để gửi đi các thông điệp. Tháng 11 năm ngoái, Lực lượng Không quân Mỹ đã sử dụng một máy bay chở hàng để triển khai một tên lửa hành trình ở phía Bắc Na Uy, nhằm mục đích phát tín hiệu cho nước Nga lân cận.