Nằm cách trung tâm thủ đô Beirut khoảng 13km, tổ hợp Đại sứ quán Mỹ mới trông như một thành phố thu nhỏ.
Trải dài trên mảnh đất rộng 43 mẫu, khu đại sứ quán ở vùng ngoại ô Aukaw rộng gấp 2,5 lần diện tích của Nhà Trắng và gấp 21 lần một sân bóng đá.
Trên Twitter, nhiều người Li-băng đặt câu hỏi vì sao Mỹ cần một đại sứ quán lớn như vậy ở thủ đô của họ. Li-băng nhỏ hơn bang Connecticut của Mỹ và có dân số chỉ 6 triệu người. Ít người Mỹ đến đây du lịch vì Bộ Ngoại giao Mỹ đặt Li-bằng trong mức độ 3 về khuyến cáo du lịch, nhưng có số lượng đáng kể công dân Mỹ gốc Li-băng.
“Mỹ có chuyển đến Li-băng không”, Sandy, một nhà hoạt động trên mạng xã hội, viết trên Twitter.
“Có thể họ sẽ đủ chỗ để xử lý tất cả những người đang phải chờ hồ sơ visa cùng lúc”, Abed A. Ayoub, giám đốc điều hành Ủy ban chống kỳ thị chủng tộc Mỹ - Ả-rập, bình luận.
Hình ảnh phối cảnh cho thấy đây là một khu phức hợp cực kỳ hiện đại, gồm các toà nhà nhiều tầng có cửa kính, khu vực vui chơi giải trí, bể bơi bao quanh là cây cối và tầm nhìn toàn cảnh thủ đô của Li-băng. Khu phức hợp cũng có nhà ở cho nhân viên, cơ sở cộng đồng và hỗ trợ.
Từ đại dịch đến vụ nổ ở Beirut năm 2020, Li-băng đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế bị tàn phá. Nhiều người Li-băng hiện vẫn chật vật mưu sinh để có thể mua được đủ lương thực, thuốc và trả tiền điện.
Dự án khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ được công bố từ năm 2015, dự kiến tiêu tốn 1 tỷ USD.
Đại sứ quán Mỹ tại Li-băng không phản hồi đề nghị bình luận.
Mỹ có lịch sử không êm đẹp với Li-băng. Quốc gia này là địa bàn của lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn.
Tháng 4 vừa qua là tròn 40 năm xảy ra vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Beirut năm 1983, khiến 63 người thiệt mạng. Tháng 10 năm ngoái, một doanh trại ở Beirut, nơi đóng quân của lực lượng gìn giữ hoà bình Mỹ và Pháp, bị đánh bom, khiến 299 người thiệt mạng.