Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gửi thư thông báo đến các lãnh đạo Quốc hội, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy rằng bộ của bà đã phải sử dụng các biện pháp quản lý tiền đặc biệt để ngăn vỡ nợ cho đến ngày 5/6.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy phe Cộng hoà hay Dân chủ sẵn sàng thoả hiệp.
Phe Cộng hoà đang tận dụng đa số ghế trong Hạ viện và trần nợ công để buộc chính phủ phải cắt bớt chương trình, cho rằng Bộ Tài chính có thể tránh được tình trạng vỡ nợ bằng cách ưu tiên trả nợ. Ý tưởng này từng được sử dụng trước đây, nhưng các chuyên gia tài chính nghi ngờ khả năng áp dụng. Nhà Trắng bác bỏ ý tưởng này.
Tình thế bế tắc gây lo ngại ở Washington và Phố Wall rằng cuộc chiến gay gắt này có thể kéo dài, gây ra gián đoạn như hồi năm 2011, khiến Mỹ bị đánh tụt xếp hạng tín dụng, phải cắt giảm chi tiêu trong nước và quân sự trong nhiều năm.
Ngày 19/1, hãng Moody’s bày tỏ tin tưởng rằng Quốc hội Mỹ sẽ đạt được thoả thuận để đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ, nhưng cuộc đàm phán đó có thể kéo dài, làm tăng tính biến động của thị trường.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại về tình thế mâu thuẫn này.
“Tôi rất lo ngại và sẽ chớp bất kỳ cơ hội nào để trao đổi với Washington để họ hiểu rằng đây không phải điều họ nên chơi đùa”, David Solomon, giám đốc điều hành Goldman Sachs, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 19/1.
Lãnh đạo phe Cộng hoà tại Thượng viện Mitch McConnell dự đoán rằng trần nợ sẽ được nâng trong nửa đầu năm 2023, theo các điều khoản thoả thuận giữa Quốc hội và Nhà Trắng.
“Đó luôn là một nỗ lực căng thẳng”, ông McConnell nói với báo chí.