Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 1/8, ông Biden khẳng định Mỹ sẽ “hỗ trợ Israel phòng thủ trước các mối đe dọa”, bao gồm biện pháp mới để bảo vệ lực lượng Mỹ, thông cáo về cuộc điện đàm cho biết.
Thông cáo không nêu cụ thể những biện pháp nào sẽ được triển khai để chuẩn bị cho khả năng Tehran trả đũa vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran.
Một số quan chức Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã bàn bạc với Bộ Tư lệnh trung tâm của Mỹ về những điều chỉnh thế trận của Mỹ ở khu vực, nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Giới chức Mỹ dự tính Iran sẽ đáp trả trong những ngày tới.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, bao gồm tàu sân bay, tàu khu trục và các chiến hạm khác, hoạt động trên Vịnh Oman trong những tuần gần đây. Nhóm này có thể di chuyển đến Vịnh Aden hoặc Biển Đỏ, nơi các tàu Hải quân Mỹ đánh chặn vài chục tên lửa của lực lượng Houthi trong mấy tháng qua.
Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp và nhiều tàu khác của Hải quân Mỹ vẫn đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Trong số đó có đơn vị viễn chinh Thủy quân lục chiến, có khả năng triển khai nhiệm vụ sơ tán công dân Mỹ khỏi Li-băng nếu được lệnh.
Cuối ngày 1/8, Tổng thống Biden bày tỏ “rất lo ngại” về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. “Tôi rất lo ngại về tình hình. Hôm nay tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn (với Thủ tướng Benjamin Netanyahu). Chúng ta đã có nền tảng cho một lệnh ngừng bắn”, ông Biden nói với báo chí tại căn cứ quân sự Andrew.
Khi được hỏi rằng liệu vụ ám sát ông Haniyah có ảnh hưởng đến cơ hội đạt được lệnh ngừng bắn hay không, Tổng thống Biden nói “không hữu ích”.
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran thề sẽ đáp trả "khắc nghiệt" và "đau đớn" thủ phạm gây ra vụ ám sát. Israel chưa bình luận về vụ ám sát này.
Theo các quan chức, Iran có thể đáp trả bằng cách huy động các nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn, nhắm vào cả lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel, cho biết "các đối tác quốc tế" của nước này đã tăng cường lực lượng ở khu vực, nhưng ông không nêu tên quốc gia nào.
"Chúng tôi có hệ thống phòng thủ rất tốt… và ngoài ra chúng tôi còn có các đối tác quốc tế đã tăng cường lực lượng ở khu vực, để giúp chúng tôi chống lại các mối đe dọa”, ông Hagari nói.
Mỹ dự kiến hành động đáp trả của Iran có thể tương tự vụ tấn công vào Israel ngày 13/4, với hàng loạt tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái, nhưng lần này có thể lớn hơn và phức tạp hơn.
Hồi tháng 4, một liên minh, bao gồm Jordan và các quốc gia Ả-rập khác, phối hợp chia sẻ thông tin tình báo và đánh chặn cuộc tấn công của Iran.
Các quan chức Mỹ cho biết, chưa rõ có thể thành lập liên minh như vậy một cách nhanh chóng hay không, và liệu các quốc gia có sẵn sàng tham gia một lần nữa hay không.
Tuy vậy, Mỹ vẫn tin rằng các quốc gia trong khu vực vẫn không muốn để xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện nhấn chìm toàn bộ Trung Đông.