> Con gái người chịu án oan thề làm ô sin suốt đời vì bố
> Toàn cảnh vụ 10 năm chịu án oan giết người
Từng tự vẫn trong trại giam
Ngày 5/11, sau khi thắp hương khấn vái tổ tiên, ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) kể lại những tháng ngày đau khổ phải ngồi “bóc lịch”. Có lần ông từng tự vẫn để giải thoát bản thân, chứng minh mình trong sạch. “Lần đó, khoảng 12 giờ đêm, tôi rút dây quần đùi ra, xoắn vào chiếc bàn chải đánh răng để siết cổ. Anh em trong tù phát hiện, ngăn cản kịp thời” - ông Chấn nhớ lại.
Vậy tại sao có bản “tự thú” trong hồ sơ vụ việc? Mắt ông Chấn lại ngân ngấn nước: “Oan quá các chú ạ. Tôi mất bố từ nhỏ nên có bao giờ chịu được đòn roi. Họ ép tôi phải nhận, dọa dẫm tôi, đánh tôi khiến tôi không chịu được. Một đêm ở trại tạm giam họ bắt tôi phải thay đổi buồng đến mấy lần. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, thôi thì cứ nhận đại cho xong để đỡ bị đánh. Đến lúc ra tòa, mình cãi cũng được, tòa sẽ xét xử nghiêm minh chứ. Thế nên, khi nghe tôi trả lời ở tòa mọi người ở dưới đều cười ồ lên vì không tin có kẻ giết người nào lại gây án kiểu như tôi”.
Cũng theo lời ông Chấn, ông đã bị bắt phải viết đúng theo ý của điều tra viên. Để tiến hành thực nghiệm điều tra, ông được “chỉ dạy” từng động tác và cho học đến khi nhuần nhuyễn. Khi thực nghiệm hiện trường tại một ngôi nhà trống cách trại tạm giam không xa với nhiều người xem, ông đã phải cố “diễn” cho đạt. “Lúc ấy tôi cũng chỉ muốn diễn cho xong để sớm được ra tòa, để được nói rõ những oan khuất trong lòng” - ông Chấn cho biết.
Niềm tin mãnh liệt của người vơ
Mặc dù rất mệt mỏi, nói năng khó nhọc nhưng bà Nguyễn Thị Chiến vợ ông Chấn vẫn dành cho PV Tiền Phong một khoảng thời gian quý giá vào chiều 5/11. Hôm trước đón chồng về, bà Chiến ngất lên ngất xuống, không gượng dậy nổi.
Bà Chiến kể, bà mới học hết lớp 3. Trước khi chồng vướng lao lý, cuộc sống của bà chỉ quẩn quanh trong lũy tre làng. Khi ông Chấn bị khởi tố về hành vi giết người, bà không tin bởi “đến đánh vợ ông ý còn không dám”. Nước mắt của bà đã cạn khi ông Chấn chính thức bị tòa tuyên phạt tù chung thân với tội danh giết người.
Sau cú sốc, bà Chiến bắt đầu hành trình đằng đẵng gõ cửa quan kêu oan cho chồng. Không biết viết đơn thế nào, bà đọc lại những bài bào chữa của luật sư đến lúc thuộc cả dấu chấm, dấu phẩy. Đêm một mình, cứ nghĩ ra được câu nào bà lại dậy viết ra giấy câu đó cho đến sáng. Căn nhà tồi tàn của bà đem đi thế chấp ngân hàng được 20 triệu đồng, hết. Ông Thân Ngọc Hoạt, một người bà con, quyết định thế chấp cả căn nhà của mình được 120 triệu đồng cho em đi kêu oan, cũng hết. Mỗi tháng đều như vắt chanh, gia đình bà một đến hai lần vào trại thăm, động viên chồng.
Trong suốt 10 năm đi kiện ấy, do không biết đi xe máy nên các con bà và ông Hoạt phải thay nhau đưa bà đi. Cho đến tận bây giờ, bà không thể nhớ được đã bị phạt bao nhiêu tiền do lớ ngớ đi nhầm vào đường một chiều, đường cấm... ở Hà Nội, bao nhiêu lần ngã xe máy dọc đường. Có bận trời mưa, hai mẹ con bà ngã xe máy, phải vào viện khâu hàng chục mũi. Đến giờ, trên đùi bà vẫn hằn vết sẹo dài cả gang tay...
Cạn nước mắt ngày con gái lấy chồng
Nỗi đau thể xác không thể sánh bằng nỗi đau tinh thần. Sự kỳ thị của người dân trong một thời gian dài đã khiến cho mẹ con bà Chiến suy sụp. Mặc dù bố chồng là liệt sĩ nhưng nhiều năm liền gia đình chỉ dám làm một mâm cơm cúng mà không dám mời ai. Đau đớn nhất là có gia đình đã từ chối không cho con trai mình cưới Nguyễn Thị Thu (SN 1987), con thứ ba của ông bà.
Mãi sau, Thu mới có người thương, đó là một chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cưới con mà bà Chiến khóc hết nước mắt vì không có của hồi môn gì tặng các con. Rồi bà lại lao vào với những nẻo đường tìm kiếm sự thật cho chồng. Nghĩ lại quãng đường 10 năm qua, bà Chiến thở dài: “Đã có rất nhiều lần, tôi không tin rằng chồng tôi sẽ được minh oan”.
Mãi sau, Thu mới có người thương, đó là một chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cưới con mà bà Chiến khóc hết nước mắt vì không có của hồi môn gì tặng cho các con. Rồi bà lại lao vào những nẻo đường tìm kiếm sự thật cho chồng.
Nhớ lại ngày bố bị bắt giam, Thu rưng rưng: “Bố dặn em, bố không gây ra tội thì sợ cái gì? Tin tưởng bố, em đi làm thuê để kiếm tiền cho mẹ thăm nuôi, kêu oan cho bố”. Những ngày ông Chấn ngồi tù cũng là những ngày chị em Thu phải chịu nhiều đau khổ nhất.
Nhà Thu có 4 anh chị em (2 trai 2 gái) đi học bị bạn bè kỳ thị, xa lánh, đến tuổi lập gia đình, chuyện tình duyên của chị em Thu cũng gặp nhiều trắc trở...
Chị gái của Thu là Nguyễn Thị Quyền còn thề: “Nếu bố không được ra tù, nguyện đi làm ô sin suốt đời để kiếm tiền nuôi bố”. Quyền xin đi làm công nhân may mặc, tích cóp vốn rồi vay mượn thêm để đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan. Mỗi tháng, Quyền cũng gửi được vài triệu đồng về cho mẹ để lo tiền thăm nuôi, kêu oan cho bố.
Vượt lên ác cảm của người đời, mẹ con Thu gạt nước mắt, đi thu thập chứng cứ như những “thám tử tư”. Có những hôm, mẹ con Thu mang cả manh chiếu cói ngủ qua đêm trước trụ sở các cơ quan công quyền để chờ gặp được người có thể giúp gia đình kêu oan. “Suốt nhiều năm liền, mẹ em đi thu thập chứng cứ. Mẹ tỉ tê nói chuyện với người ta nhưng không quên ghi âm để làm bằng chứng. Cũng may, có bác Thân Ngọc Hoạt luôn sát cánh cùng mẹ để đấu tranh, tìm mọi cách minh oan cho bố em” - Thu nhớ lại.
Ngày 4/11, một kết thúc có hậu khi cả gia đình, dòng họ đón ông Chấn trở về trong sự vỡ òa của hạnh phúc. Những giọt nước mắt lại rơi, dù hôm nay phiên tòa tái thẩm mới chính thức diễn ra.