Mùi thuốc lá từ nhà máy có độc như khói thuốc?
Theo các chuyên gia, hiện nước ta chưa có nghiên cứu đầy đủ về các chất có trong mùi thuốc lá tại các cơ sở sản xuất thuốc lá. Tuy nhiên, chắc chắn mùi này có gây độc đối với người sống xung quanh nhưng không đến mức độ như khói thuốc lá do người hút ra.
Nicotin không vượt quá tiêu chuẩn…
Một nghiên cứu sinh của khoa Môi trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đang làm đề tài về chất nicotin có trong mùi thuốc lá tại Nhà máy Thuốc lá Thăng Long cho biết, đã nhiều lần đo chất này thông qua mùi thuốc ở khu vực dân cư và tại trường học gần nhà máy. Kết quả cho thấy, trong mùi thuốc lá nồng độ nicotin không vượt quá tiêu chuẩn cho phép là 1m3/m3 không khí. Duy chỉ một lần đo lúc mùi nồng nặc và đúng hướng gió mới vượt tiêu chuẩn nhưng không đáng kể.
Qua khảo sát, mùi thuốc lá bốc lên mạnh nhất ở quá trình hấp chân không nguyên liệu. Đây là khâu thứ 3 trong quy trình sản xuất thuốc nhằm mục đích tăng tính cơ lý của thuốc, tăng lượng nước, làm mất mùi hôi, nấm mốc và vi sinh vật có trong nhiên liệu. Quá trình này thường diễn ra khoảng 25 - 30 phút và được làm vào buổi chiều. Mùi cũng đặc biệt "nồng" khi nhà máy mở kho. Đó cũng là lúc thường xuất hiện khói trắng trên ống khói. Tuy nhiên, mùi thuốc lá nặng hay nhẹ còn ảnh hưởng vào nhiều yếu tố, nhất là các hiện khí tượng thủy văn như hướng gió, mưa hay nắng...
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho hay, mùi hôi nồng, khó chịu bay ra từ các nhà máy thuốc lá là mùi hương liệu, mùi của các chất hữu cơ bay hơi (VOC) sinh ra từ các qui trình sấy sợi, phun tẩm hương liệu, gia công sợi thuốc... Mùi khó chịu này nhiều khi đặc quánh trong không khí, xộc vào mũi, vào miệng những người ở gần hay đi qua nhà máy.
... nhưng vẫn độc hại
PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích thêm, tất cả các chất hữu cơ đều có tính độc, tuy nhiên độc đến mức độ nào và ảnh hưởng ra sao đối với con người lại là vấn đề cần nghiên cứu cụ thể, chính xác. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về hàm lượng, cũng như mức độ độc hại của các chất hữu cơ bay hơi sinh ra mùi thuốc lá ở gần các nhà máy sản xuất thuốc lá. Việc này cũng không phải dễ làm bởi mỗi nhà máy, mỗi hãng thuốc, thậm chí mỗi nhãn hàng đều có sử dụng các chất liệu, hương liệu và cách thức tẩm sấy khác nhau, nên chắc chắn sẽ sinh ra những sản phẩm phụ là các chất khác nhau với nồng độ và mức độ độc hại (nếu có) khác nhau.
Còn theo PGS.TS Lưu Đức Hải, trưởng khoa Môi trường thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, đến nay, chưa có con số cụ thể về các chất có trong mùi thuốc lá do nhà máy thải ra đối với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, chắc chắn mùi này có gây độc đối với người sống xung quanh nhưng không đến mức độ như khói thuốc lá do người hút ra. Cụ thể, trong quá trình chế biến dù không phải là mùi khói của thuốc cháy nhưng trong mùi và khói xả ra sẽ bao gồm cả khí thải, nấm mốc, tinh dầu...
Theo các chuyên gia, về lý thuyết, mùi thuốc lá cũng độc tương tự khói thuốc lá mặc dù không có quá trình đốt cháy. Bởi ngoài chất nicotin còn nhiều chất khác sinh ra trong quá trình sản xuất thuốc.
Bee